(CTT-Đồng Nai) - Các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa phẫu thuật cho bệnh nhân Đ.V.T. 62 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom, bị tắc ruột nghi do u đại tràng Sigma - trực tràng.

Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh của bệnh nhân
Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh của bệnh nhân
Tưởng táo bón, hóa ra u đại tràng
BS CKI.Đặng Đức Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho hay, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bí trung đại tiện (tắc ruột). Cách đây 3 năm, bệnh nhân đã nội soi để giải quyết polyp đại tràng nhưng sau đó không theo dõi kỹ. Thời gian gần đây, bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, tắc ruột nên nhập viện kiểm tra.
Các bác sĩ sau đó đã tiến hành phẫu thuật để giải quyết vấn đề tắc ruột cho bệnh nhân bằng việc cắt đoạn đại tràng trái trên chỗ nghi ngờ có khối u, hút giải áp lòng đại tràng, đưa đầu trên đoạn đại tràng vừa cắt ra bên bụng trái, làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân.
Theo BS Hoàng, do bệnh nhân nhập viện muộn nên sau khi giải quyết vấn đề tắc ruột, bệnh nhân cần phải nhập viện một lần nữa để các bác sĩ điều trị nguyên nhân gây tắc ruột cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh sớm và thực hiện sớm, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật nội soi và giải quyết các vấn đề trong 1 lần mổ. Điều này giúp bệnh nhân sớm bình phục hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo, ở lứa tuổi trung niên, nhất là nam giới, vấn đề u đường tiêu hóa gặp khá nhiều. Nếu người dân có các triệu chứng như đi cầu ra máu, đi phân nhầy, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế có uy tín để thăm khám, điều trị.
Ngoài ra, người dân cũng nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát bằng nội soi, siêu âm, chụp CT để phát hiện bệnh sớm và điều trị, nếu có.
Với những trường hợp bị Polyp đại tràng trên 3cm có nguy cơ chuyển hóa thành ung thư cao. Căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi sinh thiết và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện
3 loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp
Ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và ung thư thực quản là ba loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp.
Ung thư tiêu hóa có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và có phương pháp can thiệp chính xác, kịp thời. Việc thực hiện các phương pháp sàng lọc sớm ung thư đường tiêu hóa có thể giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, các khối u khi còn rất nhỏ, trước khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng, do đó có thể điều trị kịp thời, cứu bệnh nhân khỏi tình trạng tử vong. Phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa là nội soi kiểm tra đại tràng và dạ dày định kỳ.
Theo đó, một loại vi khuẩn gây viêm và loét dạ dày là Helicobacter pylori có thể là một yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày.
Những người trải qua phẫu thuật dạ dày hoặc thiếu máu ác tính, phì đại dạ dày làm gia tăng nguy cơ của ung thư dạ dày; môi trường ô nhiễm, khói bụi, có tiền sử hút thuốc lá… cũng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư dạ dày.
Những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng gồm: chế độ ăn nhiều dầu mỡ; bệnh sử trong gia đình có người từng bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp; sự hiện diện polyp trong ruột già; viêm loét đại tràng mạn tính.
Đối với ung thư thực quản, triệu chứng thường gặp nhất là khó nuốt tăng dần lên, thường nghẹn ở cổ và cảm giác nóng rát khi nuốt thức ăn.
Một số triệu chứng khác như khó tiêu, nóng rát trước ngực, nôn ói, nghẹn thức ăn. Vì những nguyên nhân này mà bệnh nhân ngày càng sụt cân và gầy mòn.
Những triệu chứng ít gặp hơn là ho khan và thở khò khè, cảm giác đau rát sau ức hay đau vùng cổ.

Người nhà chăm sóc bệnh nhân sau ca mổ
Người nhà chăm sóc bệnh nhân sau ca mổ