Dịch bệnh sốt xuất huyết đang lan rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Số bệnh nhân nhập viện không ngừng gia tăng. Nhiều cơ sở y tế lo ngại sẽ quá tải điều trị.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh béo phì rơi vào sốc
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh béo phì rơi vào sốc
Liên tục tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng
BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, các khoa của bệnh viện đang điều trị cho gần 100 bệnh nhân bị sốt xuất huyết, tuổi từ 4-15 tuổi, trong đó có gần 30 bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng, rơi vào trạng thái sốc, phải điều trị hồi sức tích cực.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Đ.T.T.T., 8 tuổi, ngụ TT.Tân Phú, H.Tân Phú. Bệnh nhi bị sốt ở nhà vài ngày trước đó, sau đó hết sốt nhưng bị chảy máu răng miệng, xuất hiện các chấm xuất huyết ở 2 tay, tiếp tục sốt cao nên nhập viện để điều trị. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốt xuất huyết Dengue, kèm theo bệnh nền tan máu bẩm sinh. Điều này khiến huyết sắc tố trong cơ thể bệnh nhi bị suy giảm, làm cho tình trạng tan máu nặng nề hơn, tay chân bệnh nhi bị nổi đỏ hơn bình thường. Các y, bác sĩ phải liên tục theo dõi, chăm sóc, thay máu và các chế phẩm của máu cho bệnh nhi để bé không bị chảy máu thêm, kèm theo dõi huyết áp kỹ càng.
Trong khi đó, bệnh nhân B.L.A.V., 15 tuổi, ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa cũng phải điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Sau vài ngày bị sốt ở nhà, em V. được đưa đến bệnh viện, phát hiện bị sốt xuất huyết. Do bệnh nhân có bệnh nền là béo phì với cân nặng lên đến 104 kg nên tình trạng bệnh trở nặng nhanh hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc sốt xuất huyết nên được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Đang chăm sóc con bị sốc sốt xuất huyết tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chị Phan Thị Tường Vân, ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành cho hay, con gái chị 9 tuổi, đang học lớp 3. Cách đây ít ngày, bé sốt cao, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành để điều trị. Tuy nhiên, bệnh tình của bé diễn tiến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết, được cho thở oxy.
Theo chị Vân, ở khu vực gia đình chị sinh sống bắt đầu có những trường hợp bị bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, các gia đình chưa có nhiều kiến thức về phòng chống bệnh.
Theo ThS-BS.Nguyễn Trọng Nghĩa, theo chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết, năm nay dự báo dịch bệnh này sẽ bùng phát mạnh. Ở trẻ em, lứa tuổi thường mắc bệnh nhất là từ 4-15 tuổi, lứa tuổi thường bị bệnh nặng từ 8-9 tuổi. Tuy nhiên, bất kỳ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ bị bệnh nặng, đặc biệt với những trường hợp có bệnh nền kèm theo như bệnh tim, tan máu bẩm sinh, đặc biệt là béo phì. Với những trường hợp này, các y, bác sĩ phải thường xuyên theo dõi diễn tiến của bệnh nhân, thường xuyên phải đo huyết áp, xét nghiệm máu… để tránh nguy cơ bệnh diễn tiến xấu hơn.
Không riêng ở trẻ em có nguy cơ bệnh sốt xuất huyết diễn tiến nặng, ngay cả ở người lớn, bệnh cũng có thể bị nặng nếu phát hiện bệnh trễ, điều trị không kịp thời, bệnh nhân có kèm theo các bệnh nền.
BS Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thông tin, hiện tại, khoa đang điều trị tích cực cho một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng. Bệnh nhân này đã điều trị tại bệnh viện được hơn 1 tháng và cần phải tiếp tục được theo dõi sát sao hơn.

Nhiều phụ huynh phải nghỉ làm để chăm con tại bệnh viện
Nhiều phụ huynh phải nghỉ làm để chăm con tại bệnh viện
Không được chủ quan
BS Đinh Cao Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, trước đây, khoa Nhiễm của bệnh viện được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được chuyển qua điều trị tại Bệnh viện Đồng Nai 2. Hiện nay, tại khoa này không còn bệnh nhân Covid-19 nào nên được chuyển đổi, trở về trạng thái ban đầu là điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết.
Thời gian qua, trung bình mỗi tuần Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận và điều trị nội trú cho 50 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, hầu như ngày nào cũng có người nhập viện để điều trị bệnh này. Để đề phòng trường hợp có nhiều bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết, số giường hồi sức tại Khoa Nhiễm và số giường hồi sức trống tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc luôn trong tư thế sẵn sàng. Khi có nhiều bệnh nhân sốc sốt xuất huyết, 2 khoa này sẽ hỗ trợ nhau trong công tác hội chẩn và điều trị. Về dịch cao phân tử, mặc dù thực tế cho thấy ở người lớn ít phải sử dụng dịch cao phân tử như trẻ em nhưng bệnh viện cũng sẽ chủ động để chuẩn bị.
Mặc dù vậy, điều mà Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang lo lắng hiện nay là nhân lực phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. BS Đồng Minh Hùng, Trưởng Khoa Nhiễm nói, khoa hiện chỉ có 5 bác sĩ có kinh nghiệm điều trị bệnh sốt xuất huyết, còn 3 bác sĩ mới về chưa có kinh nghiệm cũng như chưa có chứng chỉ hành nghề. Ngoài điều trị bệnh tại khoa, các bác sĩ còn phải ngồi tại phòng khám để khám bệnh cho bệnh nhân, bác sĩ ra trực. Nhân lực điều dưỡng hiện có 12 người. Số nhân lực ít nên BS Hùng lo ngại, nếu số ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện tăng cao, khoa sẽ gặp khó khăn.
Còn BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thì cho hay, khoa hiện có 28 giường bệnh nhưng mỗi ngày phải tiếp nhận và điều trị cho từ 38-40 bệnh nhân. Vì thế, khoa bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải. Điều này cũng diễn ra tương tự tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Nguồn nhân lực cũng có nguy cơ thiếu hụt nếu số ca bệnh tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ dịch cao phân tử, thuốc men và các loại máy móc liên quan để đáp ứng công tác điều trị cho bệnh nhân.
BS Nghĩa nhắn nhủ các bậc phụ huynh cần theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện những thay đổi của trẻ, đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, đồng thời tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên.