(CTT-Đồng Nai) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn. Đồng thời triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên động vật.

Một con chó hoang bị bắt nhốt sau khi cắn người tại sân Sở Tài nguyên và Môi trường
Một con chó hoang bị bắt nhốt sau khi cắn người tại sân Sở Tài nguyên và Môi trường
Ngoài ra, các địa phương cần chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch phòng, chống bệnh dại của địa phương trong năm 2024 và các năm tiếp theo để bảo đảm phù hợp. Trong đó, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả cao các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại địa phương.
Chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan y tế và thú y thực hiện giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại trên động vật phải được lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm thú y có thẩm quyền để xét nghiệm bệnh dại.
Tăng cường công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Tiêm phòng vaccine cho đàn chó, mèo, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 70% tổng đàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo nuôi.

Các hộ chăn nuôi chó, mèo cần tuân thủ việc tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo
Các hộ chăn nuôi chó, mèo cần tuân thủ việc tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo
Đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND các cấp làm trưởng đoàn, phối hợp với các đơn vị chuyên môn như thú y, y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại tại các địa phương có nguy cơ cao…
Theo hướng dẫn của ngành Y tế, một con chó mắc bệnh dại cắn người có thời gian phát bệnh cho đến khi chết từ 1-7 ngày. Khi bị chó, mèo cắn, người dân không nên đánh chết con chó, mèo ngay mà cần phải nhốt lại, báo cơ quan chức năng để theo dõi tình trạng sức khỏe của con vật và tiêm liều lượng vaccine phù hợp.
Khi bị chó cắn, người dân nên rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70 độ hoặc cồn i-ốt. Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt, không nên đi lấy nọc, đắp thuốc nam, hoặc đắp lá cây, bã cà phê, ớt bột, nước ép, nhựa cây lên vết thương; không rạch hoặc làm dập nát thêm vết thương; không nên khâu kín vết thương.