Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị đột quỵ

Thứ hai - 18/09/2023 15:21
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân N.T.C., 46 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, bị tái đột quỵ nguy hiểm.
BS CKII Nguyễn Đình Quang thăm khám cho bệnh nhân N.T.C
BS CKII Nguyễn Đình Quang thăm khám cho bệnh nhân N.T.C

Hồi tháng 3-2023, ông C. đang chạy xe máy thì chóng mặt, không thể điều khiển được xe, lủi vào nhà thuốc ở bên đường để nhờ cấp cứu. Sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện, ông C. được xuất viện về nhà, hồi phục 70-80% nhưng không thể quay trở lại công việc làm công nhân như trước kia, chỉ ở nhà trông con.

Ngày 10-9, sau khi ăn cơm tối, ông C. vào nhà tắm để đánh răng nhưng run tay, chóng mặt, nôn ói nhiều, huyết áp tăng cao, méo miệng, liệt nửa người bên trái. Do đã có kinh nghiệm, vợ ông C. vội vàng gọi xe cấp cứu đưa chồng vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để cấp cứu.

Theo bà C.T.D., vợ ông C., cha bà cũng từng bị đột quỵ và qua đời vài năm trước, một người chú của bà cũng bị đột quỵ nên bà hiểu sự nguy hiểm của căn bệnh đột quỵ. Sau lần này, bà sẽ kiểm soát kỹ hơn việc ăn uống, sinh hoạt của chồng, không cho hút thuốc lá, uống rượu bia nữa.

BS CKII Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) cho hay, rất may bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong giờ vàng nên được bác sĩ can thiệp, điều trị kịp thời. Sau xuất viện, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, dự phòng tái phát đột quỵ vì những lần đột quỵ sau sẽ nặng hơn lần trước, nguy cơ tàn phế và tử vong cao.

Hiện nay, tại Đồng Nai có 5 bệnh viện triển khai điều trị đột quỵ. Đó là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; đa khoa Thống Nhất; đa khoa khu vực Long Khánh; đa khoa khu vực Định Quán và Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai.

Các bác sĩ lưu ý, người dân khi phát hiện người thân có các dấu hiệu của bệnh đột quỵ như yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các bệnh viện có điều trị đột quỵ. Tránh chần chừ, thực hiện các biện pháp truyền miệng để điều trị đột quỵ cho bệnh nhân như chích máu ngón tay bởi sẽ có thể làm cho bệnh nặng hơn, làm mất thời gian vàng điều trị.

Ngoài ra, cần biết các cơ sở y tế có điều trị đột quỵ để đưa bệnh nhân đến đúng bệnh viện, tránh đưa vào những cơ sở y tế không có chuyên khoa điều trị đột quỵ để tránh lãng phí thời gian. Thời gian vàng để cứu chữa bệnh nhân đột quỵ là trong vòng 4 giờ kể từ khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng của bệnh.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây