(CTT-Đồng Nai) - Bệnh suy tim gây ra những phiền toái rất lớn cho người bệnh. Có những trường hợp chức năng của tim xuống thấp khiến người bệnh khó thở, mệt mỏi rất nhiều.

Các bác sĩ thực hiện ca đặt máy tạo nhịp tim 3 buồng cho bệnh nhân.
Các bác sĩ thực hiện ca đặt máy tạo nhịp tim 3 buồng cho bệnh nhân.
Bệnh kéo dài hơn 10 năm
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa lần đầu tiên thực hiện thành công ca đặt máy tạo nhịp tim 3 buồng để điều trị bệnh suy tim nặng cho bệnh nhân T.L.K., 72 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa.
Ông K. có tiền sử bệnh suy tim từ hơn 10 năm trước. Ông đã từng phải nhập viện cấp cứu 2 lần, sau đó chỉ điều trị bằng thuốc mà không can thiệp. Tình trạng bệnh của ông K. ngày càng nặng, đau tức ngực gia tăng, không thở được nên cách đây 2 tuần, ông được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Tới, khoa Can thiệp tim mạch cho biết, qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị suy tim có phân suất tống máu giảm (chỉ 20%), điện tâm đồ có hiện tượng hoạt động điện của tim không đồng bộ. Các bác sĩ đã hội chẩn toàn khoa và chỉ định cấy máy tạo nhịp tim 3 buồng cho bệnh nhân.
Máy tạo nhịp tim 3 buồng còn được gọi là thiết bị tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim, được sử dụng để điều trị suy tim cho những bệnh nhân có 2 buồng tâm thất hoạt động không cùng lúc hay những bệnh nhân suy tim kèm theo tình trạng bị block ở nhánh trái.
Trong vòng 2 tiếng đồng hồ, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ đã đưa máy tạo nhịp tim 3 buồng vào lồng ngực bệnh nhân, giúp hỗ trợ tim co bóp và hoạt động có tổ chức. Thiết bị này gồm có 3 điện cực, trong đó 2 điện cực vào 2 tâm thất và điện cực thứ 3 nối vào tâm nhĩ phải. Khi máy hoạt động sẽ truyền tín hiệu điện từ máy vào các sợi dây điện cực đến các cơ tim của bệnh nhân. Từ đó, giúp buồng tim hoạt động đồng bộ với nhau, máu được bơm ra khỏi tim tuần hoàn và liên tục.
“Đây là trường hợp đầu tiên được đặt máy tạo nhịp tim 3 buồng tại Đồng Nai. Bệnh nhân sẽ được tái khám mỗi tháng một lần. Khoảng 10 năm sau, bác sĩ sẽ đánh giá tình hình máy và thực hiện thay pin. Khi về nhà, bệnh nhân cần hạn chế ăn mặn, vận động vừa phải, bỏ thuốc lá, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ” - bác sĩ Tới nhấn mạnh.

Các bác sĩ theo dõi hình ảnh máy tạo nhịp tim được đặt trong lồng ngực bệnh nhân qua phim Xquang
Các bác sĩ theo dõi hình ảnh máy tạo nhịp tim được đặt trong lồng ngực bệnh nhân qua phim Xquang
Biểu hiện của bệnh suy tim
Khó thở là triệu chứng điển hình của bệnh suy tim. Người bệnh sẽ thấy khó thở khi gắng sức ở những giai đoạn đầu, khi suy tim nặng dần sẽ có những cơn khó thở kịch phát về đêm, người bệnh phải ngồi dậy để thở.
Bệnh nhân thường xuất hiện sau gắng sức, bệnh nhân khó thở dữ dội, vật vã kích thích, ho khạc bọt hồng. Cần phải cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân cũng có thể có đau ngực do bệnh lý mạch vành (là nguyên nhân gây suy tim) nhưng cũng có thể đau ngực do suy tim nặng dẫn đến giảm tưới máu cho mạch vành; tiểu ít, hoa mắt, chóng mặt; nhiều trường hợp gan to, phù chân, tĩnh mạch cổ nổi.
Suy tim được phân độ theo 4 cấp độ. Suy tim độ 1 là bệnh nhân có bệnh tim nhưng không có triệu chứng cơ năng, hoạt động gần như bình thường. Suy tim độ 2 là bệnh nhân các triệu chứng xuất hiện khi gắng sức nhiều. Suy tim độ 3 là các triệu chứng xuất hiện khi gắng sức ít, hạn chế nhiều hoạt động thể lực. Suy tim độ 4 (suy tim giai đoạn cuối), các triệu chứng xuất hiện thường xuyên kể cả khi nghỉ ngơi.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh suy tim gồm: Người bị tăng huyết áp; đái tháo đường; rối loạn lipid máu; hút thuốc lá; nam giới; tuổi cao; người bị bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý van tim không được sửa chữa; người bị bệnh phổi tắc nghẽn không được kiểm soát; ít vận động.
Để phòng ngừa bệnh suy tim, bác sĩ Tới khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn lành mạnh, giảm muối, nhiều hoa quả rau xanh, hạn chế mỡ động vật thay bằng dầu thực vật, hạn chế ăn phủ tạng động vật. Tập luyện thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Bỏ thuốc lá hoàn toàn; kiểm soát huyết áp bằng thay đổi lối sống và uống thuốc đều đặn; kiểm soát đường máu, lipid máu…