(CTT-Đồng Nai) Thời tiết giao mùa có nhiều yếu tố khiến bệnh nhân hen suyễn có thể bị tái phát bất cứ lúc nào. Những người bị bệnh nặng, khi lên cơn hen suyễn nếu không xử lý kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khi trẻ có các triệu chứng như: thở nông, nhanh, cánh mũi phập phồng… thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa để xác định rõ trẻ chỉ bị bệnh hô hấp thông thường hay bị hen suyễn
Khi trẻ có các triệu chứng như: thở nông, nhanh, cánh mũi phập phồng… thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa để xác định rõ trẻ chỉ bị bệnh hô hấp thông thường hay bị hen suyễn
Hen suyễn (hen phế quản) là một bệnh mạn tính, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trẻ em bị hen suyễn cần phải có sự theo dõi sát sao của cha mẹ, tuân thủ điều trị của bác sĩ. Trẻ hen suyễn nếu nhiễm Covid-19 thì sẽ rất nguy hiểm.
Bệnh trở nặng vì ngắt quãng điều trị
Hen suyễn là bệnh hô hấp mãn tính, xảy ra ở mọi lứa tuổi, có thể để lại nhiều biến chứng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi.
Bệnh có đặc trưng là tình trạng tắc nghẽn đường thở. Việc tắc nghẽn có thể do viêm niêm mạc đường phế quản gây phù nề, do tăng tiết đàm nhớt, tăng tiết dịch hoặc do sự co thắt phế quản.
Theo BS CKII Đồng Minh Hùng, Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hen suyễn là 1 bệnh đường hô hấp nên sẽ có những triệu chứng giống như bệnh lý về đường hô hấp khác như: viêm họng, viêm hô hấp, cúm… Tuy nhiên, cần chú ý đặc tính của bệnh hẹn suyễn là cơ địa dị ứng.
Đây không phải là bệnh nhiễm trùng nên đa số bệnh nhân không bị sốt, trừ khi có bội nhiễm. Việc khởi phát cơn hen là đột ngột (khi tiếp xúc với dị nguyên, chất lạ). Sau cơn hen (khoảng 10-15 phút) thì bệnh nhân có thể trở về trạng thái bình thường. Đối với các bệnh đường hô hấp khác thường do vi trùng, virus nên bệnh nhân có bị sốt, diễn tiến từ từ có thể kéo dài từ 3 đến 10 ngày.
Chị P.N.T. (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) kể, khi con gái chị được 3 tuổi, bé có biểu hiện: thường xuyên ho, khi nằm ngủ bé khó thở, thường bị viêm phế quản. Chị nghi ngờ con bị hen suyễn nên đã đưa bé đi khám. Sau khi đo chức năng hô hấp, bác sĩ xác định bé bị bệnh hen suyễn mức độ nhẹ. Bé được cấp thuốc xịt dự phòng để ngăn cơn hen và đi khám định kỳ 2 tháng/1 lần.
Duy trì xịt thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong nhiều năm, con của chị T. rất ít khi bị lên cơn hen. Tuy nhiên, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chị T. không đưa con đi tái khám và không duy trì việc xịt thuốc nên bé bị lên cơn hen trở lại. Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con, chị T. vội đưa con đi tái khám.
“Do điều trị gián đoạn nên tình trạng bệnh của con nặng hơn, bác sĩ đã phải tăng liều lượng thuốc so với trước đó. Hiện nay, bé vẫn duy trì tái khám 2 tháng 1 lần và được theo dõi sát sao, cứ 3 - 4 tháng lại được đo chức năng hô hấp. Nếu bệnh có tiến triển tốt thì sẽ được giảm liều lượng thuốc”, chị T cho hay.

Trẻ bị bệnh hen suyễn cần tuân thủ lịch tái khám, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Trẻ bị bệnh hen suyễn cần tuân thủ lịch tái khám, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Tỷ lệ trẻ em bị hen suyễn ngày càng tăng
Theo BS CKII Đồng Minh Hùng, có một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen suyễn ngày càng tăng. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể do điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm. Thêm vào đó, trẻ em ngày nay tiếp xúc nhiều hơn với các tác nhân gây dị ứng từ thức ăn. Điều đáng mừng là những trẻ bị hen suyễn thì khi lớn lên có thể tự khỏi. Nếu khi lớn lên mà vẫn không khỏi thì có thể sẽ mắc căn bệnh này suốt đời.
Bệnh hen suyễn rất khó điều trị dứt điểm. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào sức đề kháng, sự đáp ứng thuốc của từng người bệnh. Nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thì sẽ kiểm soát tốt bệnh hen suyễn.
Để phòng ngừa trẻ lên cơn hen suyễn, cha mẹ cần hạn chế tối đa để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh; không nên nuôi chó mèo, chim cảnh; giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; hạn chế dùng thảm, len trong nhà…
Những gia đình có trẻ bị bệnh hen suyễn thì cha mẹ cần theo dõi tần suất xảy ra cơn hen. Nếu ít, xảy ra ban ngày thì có thể yên tâm hơn. Nếu xảy ra cơn hen nhiều mà xảy ra ban đêm thì cha mẹ tuyệt đối không được để trẻ ngủ 1 mình; không bao giờ để được ở nhà 1 mình mà phải luôn có người ở cùng để xử trí khi bé lên cơn hen. Cần chuẩn bị sẵn các loại thuốc cắt cơn mà bác sĩ đã kê toa; nên có số điện thoại của một bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn khi bé xảy ra cơn hen vào ban đêm.
Khi bé lên cơn hen và đã được dùng thuốc cắt cơn mà sau khoảng 5 phút vẫn không giảm thì cần phải đưa đến bệnh viện. Tránh tình trạng khi con khó thở mà cho uống nước chanh vì sẽ khiến con bị sặc, có thể dẫn đến ngưng thở.
BS CKII Đồng Minh Hùng khuyến cáo, bệnh nhân hen suyễn nếu mắc Covid-19 thì sẽ rất nguy hiểm. Theo đó, khi xâm nhập vào cơ thể, virus SARS-CoV2 sẽ “thường trú” và tàn phá hệ hô hấp trước tiên. Những bệnh nhân hen suyễn vốn đã bị tổn thương phổi nếu bị mắc Covid-19 sẽ khiến cho bệnh nặng hơn, kéo dài hơn thậm chí tử vong.
“Nghiên cứu cho thấy, bệnh hen suyễn không làm tăng khả năng mắc bệnh Covid-19 nhưng bệnh Covid-19 làm cho cơn hen nặng hơn, kéo dài hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với bệnh hen mà không bị Covid-19”, ông Hùng cho hay.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có xu hướng gia tăng, cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng bệnh hen của con. Nếu trẻ lên cơn hen nhiều hơn, kéo dài hơn, nặng hơn mà kèm theo sốt thì nên thận trọng và đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác.
Trẻ bị bệnh hen suyễn nếu mắc Covid-19 thì sẽ khiến bệnh nặng hơn, kéo dài hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với bệnh hen mà không bị Covid-19. Do vậy, trẻ nên được đẩy đủ vaccine Covid-19 theo đúng độ tuổi. Cha mẹ cũng cần tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang thường xuyên, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các dị nguyên khiến trẻ lên cơ hen…