(CTT - Đồng Nai) - Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra, xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là đối với trẻ nhỏ. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt, một hoặc hai ngày sau lây sang mắt kia.

Bác sĩ khám mắt cho bệnh nhi tại cơ sở y tế
Bác sĩ khám mắt cho bệnh nhi tại cơ sở y tế
Những đường lây truyền bệnh
Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận, điều trị cho từ 40-50 ca bệnh đau mắt đỏ và có nhiều trẻ kèm theo cả bệnh lý về đường hô hấp.

Trẻ bị đau mắt đỏ nếu đi bơi rất dễ lây bệnh cho những trẻ lành khác
Trẻ bị đau mắt đỏ nếu đi bơi rất dễ lây bệnh cho những trẻ lành khác
BS.CKI Nguyễn Văn Tiến, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, bệnh đau mắt đỏ thường lây qua tiếp xúc trực tiếp; qua các vật dụng dễ gặp tại nhà hay ngoài cộng đồng như: đồ chơi, tay nắm cửa, bồn rửa tay…; lây qua hồ bơi (trẻ đau mắt bơi sẽ làm nhiễm khuẩn nước và lây bệnh cho trẻ lành khi bé đi bơi).
Một đường lây nữa rất dễ thành dịch là lây qua hô hấp gây đau mắt đỏ do virus adeno thuộc chủng type 3, 4 và 7. Ở bệnh này, trẻ thường có kèm viêm đường hô hấp và ho. Khi ho sẽ gây giọt bắn, là vector truyền bệnh cho trẻ lành.
Để phòng phòng bệnh đau mắt đỏ, theo BS Tiến việc rửa tay và vệ sinh cá nhân thường xuyên, đúng cách là cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh (đối với người đang có bệnh, việc này sẽ làm chặn đứng vector lây bệnh rất hiệu quả). Trẻ nên được đeo khẩu trang đúng cách khi tiếp xúc nơi đông người.
Đối với trẻ bị đau mắt đỏ, nên đi khám chuyên khoa mắt để được điều trị đúng cách và được hướng dẫn chăm sóc tại nhà tốt nhất từ các bác sĩ chuyên khoa. Khi trẻ đang bị đau mắt và được cho điều trị tại nhà thì phụ huynh không nên cho trẻ đi đến nơi đông người, đi bơi… việc này giúp tránh lây lan bệnh thành dịch.
Nhỏ thuốc đúng cách
Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách tại nhà không chỉ giúp trẻ nhanh khỏi các bệnh về mắt mà còn hạn chế được những biến chứng.

Nhỏ mắt cho trẻ cần đúng cách, an toàn, hiệu quả
Nhỏ mắt cho trẻ cần đúng cách, an toàn, hiệu quả
Thuốc nhỏ mắt là dạng thuốc lỏng, được pha chế và sản xuất trong điều kiện vô khuẩn. Bên cạnh đó, cũng có một số chế phẩm thuốc nhỏ mắt được bào chế dưới dạng bột vô khuẩn, cần phải được hòa tan với một chất lỏng vô khuẩn thích hợp trước khi dùng.
Thuốc mỡ tra mắt là dạng thuốc mềm, bao gồm những chế phẩm thuốc mỡ dùng cho mắt, được pha chế và sản xuất trong điều kiện vô khuẩn. Tuy nhiên, dạng thuốc này có nhược điểm là làm mờ mắt tạm thời mỗi khi tra thuốc, để khắc phục đặc điểm này, một số dạng thuốc gel tra mắt cũng đã được điều chế và lưu hành trên thị trường.
DS Đỗ Thùy Anh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, có 8 bước tra thuốc nhỏ mắt/ mỡ tra mắt cho trẻ gồm: Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước ấm; mở nắp lọ thuốc; Đặt nghiêng nắp lọ thuốc lên bề mặt sạch (ví dụ: khăn giấy khô mới). Kiểm tra đầu nhỏ thuốc sạch sẽ, không bị nứt hoặc sứt mẻ.
Phụ huynh đặt trẻ ngồi hoặc nằm thẳng, ngửa cổ ra sau. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể dùng chăn quấn và bế trẻ để giữ trẻ nằm yên. Dùng ngón trỏ, kéo nhẹ phần mí mắt dưới, tạo thành túi kết mạc. Dùng tay còn lại cầm lọ thuốc cách mắt khoảng 1,5 – 2 cm, nhẹ nhàng nhỏ từng giọt vào phần túi kết mạc đã được bộc lộ (không chạm đầu ống thuốc vào mắt)
Sau đó, nhẹ nhàng thả tay khỏi phần mí mắt dưới. Dùng ngón tay út ấn giữ nhẹ vào góc trong của mắt (bên cạnh sống mũi) trong vòng 5 – 10 giây. Giữ cho trẻ nhắm nhẹ mắt trong vòng 5 giây để đảm bảo thuốc được hấp thu, không bị trôi ra ngoài. Lau nhẹ phần nước mắt trên mặt trẻ bằng khăn giấy sạch. Cuối cùng, rửa sạch lại tay bằng xà phòng và nước ấm
Với thuốc mỡ tra mắt, phụ huynh cũng làm những bước đầu tương tự với thuốc nhỏ mắt. Sau đó, dùng ngón trỏ, kéo nhẹ phần mí mắt dưới, tạo thành túi kết mạc. Dùng tay còn lại cầm tuýp thuốc cách mắt khoảng 1,5 – 2 cm. Bóp nhẹ tuýp thuốc để 1 lượng thuốc (kích thước khoảng 1cm hoặc bằng 1 hạt gạo) được trải đều trên bề mặt túi kết mạc đã được bộc lộ (không chạm đầu bơm của tuýp thuốc vào mắt). Nhẹ nhàng thả tay khỏi phần mí mắt dưới. Dùng ngón tay út ấn giữ nhẹ vào góc trong của mắt (bên cạnh sống mũi) trong vòng 5 – 10 giây.
Giữ cho trẻ chớp nhẹ mắt trong vòng 10 giây để phần thuốc mỡ/gel tan và hấp thụ trong mắt, không bị trôi ra ngoài. Lau nhẹ phần nước mắt trên mặt trẻ bằng khăn giấy sạch. Rửa sạch lại tay bằng xà phòng và nước ấm
Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt cho trẻ em, các bậc phụ huynh cần lưu ý, chỉ dùng thuốc nhỏ mắt/mỡ tra mắt với bên mắt cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Đảm bảo đầu nhỏ giọt/bơm thuốc luôn sạch sẽ. Có thể dùng khăn giấy khô mới, sạch, lau nhẹ đầu nhỏ giọt/bơm thuốc sau mỗi lần sử dụng
Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, cần giữ nguyên đầu của trẻ, nhỏ/bơm thuốc vào góc trong của mắt để đảm bảo thuốc vẫn vào được trong mắt ngay cả khi mắt trẻ nhắm lại do sợ dùng thuốc hoặc sau mỗi lần dùng thuốc. Có thể dùng ngón trỏ kéo nhẹ phần mí mắt dưới của trẻ để thuốc vào được bên trong mắt.
Trường hợp thuốc nhỏ mắt/mỡ tra mắt bị nhỏ/bơm trượt dẫn đến thuốc chưa vào được trong mắt, có thể lặp lại quá trình nhỏ/bơm thuốc, tuy nhiên không được lặp lại quá 2 lần.
Nếu cần nhỏ/bơm nhiều hơn 1 giọt/lượng thuốc vào mỗi mắt, cần đợi ít nhất từ 5 – 10 giây trước lượt nhỏ/bơm thuốc tiếp theo.
Trường hợp cần dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt/mỡ tra mắt/gel tra mắt với một bên mắt thì luôn sử dụng các thuốc mỡ/gel tra mắt cuối cùng và các loại thuốc được sử dụng cách nhau ít nhất từ 3-5 phút.