Đổi thay trên vùng đất Sông Nhạn

Thứ hai - 17/05/2021 14:54
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Từ năm 2015 trở về trước, vùng đất xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) vẫn còn bộn bề khó khăn, chật vật từ cơ sở hạ tầng đến đời sống người dân, phát triển kinh tế. Từ năm 2017, xã Sông Nhạn xây dựng nông thôn mới thành công và hiện đang tiếp tục nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. 

17.5-Đổi thay trên vùng đất Sông Nhạn.jpg

Các tuyến giao thông trên địa bàn xã Sông Nhạn thông thoáng nhờ sự quan tâm đầu tư của huyện, tỉnh 

Phần lớn người dân xã Sông Nhạn là người tha hương từ khắp mọi miền đất nước về tụ hội sinh sống ở những dải đất được ví là “đầu thừa, đuôi thẹo” của Nông trường Cao su Ông Quế từ năm 1990 trở về trước.
Vươn lên từ gian khó
Nhiều người dân ở xã Sông Nhạn kể, trước năm 2015, ở Sông Nhạn kinh tế rất khó khăn. Mặc dù, chính quyền khuyến khích, động viên nông dân chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao (sầu riêng, chôm chôm, mít), phát triển chăn nuôi heo, bò, gà theo hướng trang trại, kinh tế hộ gia đình nhưng nông dân vẫn “lực bất tòng tâm” vì thiếu vốn, điện, nước, giao thông không thuận lợi.
Năm 2015, xã Sông Nhạn đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, được sự ưu tiên đầu tư nguồn vốn gần 100 tỷ đồng từ huyện, tỉnh, Trung ương cho các dự án về: giao thông, thủy lợi, trụ sở, điện, trường, vốn… Như “con thuyền” mắc cạn được khơi dòng, nông dân xã Sông Nhạn bắt đầu ngẩng mặt, so vai với các xã bạn khi kinh tế của nhiều hộ gia đình cho thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm qua các mô hình kinh tế vườn - chuồng trại - dịch vụ.
Tháng 5-2021, nhà vườn xã Sông Nhạn đang bước vào thu hoạch sầu riêng và chôm chôm nên vườn cây nào cũng trĩu quả. Với trên 300ha cây ăn trái các loại, 8 ấp của xã Sông Nhạn đang hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái với chủ lực: sầu riêng, mít, chôm chôm, bưởi, măng cụt. Trong đó, khu vực ấp 4, xã Sông Nhạn được xem là nơi nông dân có vườn cây ăn trái lớn nhất xã với gần 200ha, đạt giá trị từ 500-700 triệu đồng/năm/ha. Nông dân Nguyễn Văn Quận (ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn) bày tỏ, bà con trong vùng rất mừng khi thu nhập ổn định, đời sống ngày càng nâng cao.
Đến nay toàn xã có gần 900ha cây trồng được nông dân đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2010 đạt gần 100 tỷ đồng, năm 2020 là trên 300 tỷ đồng; toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm vào năm 2020; 100% giao thông nông thôn được bê tông…
Hướng đến thương mại, dịch vụ
17.5-H2 Đổi thay trên vùng đất Sông Nhạn.jpg
Nông dân xã Sông Nhạn gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phát triển vườn cây ăn trái, tìm đầu ra cho sản phẩm
Nghị quyết Đảng bộ xã Sông Nhạn nhiệm kỳ 2020 -2025 đánh giá, trong điều kiện thuận lợi, kinh tế địa phương trên đà tăng trưởng, phát triển mạnh (từ 13-14% năm). Sự hình thành và phát triển của cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ kéo theo sự phát triển của các vùng phụ cận về dịch vụ, công nghiệp hậu cần, trong đó có xã Sông Nhạn. Thương mại, dịch vụ địa phương sẽ phát triển nhanh trong 5 năm tới.
Do đó, Nghị quyết của Đảng bộ xã chú trọng nghiên cứu, đề xuất các chủ trương về quy hoạch phân khu phát triển sản xuất và các loại hình dịch vụ; khai thác có hiệu quả tiềm năng, vị trí địa lý, lợi thế so sánh và thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực trong và ngoài địa bàn về hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân tăng cường giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển đa dạng các ngành nghề dịch vụ.
Bí thư Đảng ủy xã Sông Nhạn Hoàng Triệu Linh cho biết cơ hội để địa phương nắm bắt đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thành công khi đường Sông Nhạn - Dầu Giây  đưa vào sử dụng vào năm 2019; dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang trong giai đoạn thi công; dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Sông Nhạn - Xuân Quế chuẩn bị hình thành và việc quy hoạch vùng lợi thế triển khai các khu, cụm công nghiệp - dịch vụ nhỏ của xã được huyện đôn đốc, quan tâm chỉ đạo.
Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn Trần Anh Kiệt cũng cho biết, giải pháp mang tính chiến lược của địa phương hiện tại là tham mưu kịp thời cho huyện quy hoạch phân khu phát triển sản xuất và các loại hình dịch vụ trên địa bàn; thu hút mạnh mẽ đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp phụ trợ; khuyến khích nhân dân đầu tư, phát triển các loại hình du lịch vườn, du lịch sinh thái; hoàn thiện các tuyến giao thông nông thôn liên ấp, xã, vùng để tạo đà phát triển, thu hút đầu tư, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại, xanh, cảnh quan sạch đẹp.
“Để địa phương cất cánh, vươn tầm, luôn đòi hỏi tập thể lãnh đạo có một ý chí, trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm, bản lĩnh vì dân, vì quê hương đang trên đà đổi mới” - ông Trần Anh Kiệt nhấn mạnh.  
Quỳnh Thư

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây