Cuối năm 2018, Thanh Sơn là xã cuối cùng của huyện Định Quán hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần để huyện Định Quán được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Để có được kết quả này, sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và chính quyền cùng cấp trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tạo sự đồng thuận xã hội
Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Diễm Châu cho biết, thời gian qua, MTTQ các cấp trong huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền cùng cấp đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, huy động hiệu quả sức mạnh toàn dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới. “Chỉ tính trong 2 năm 2017 - 2018, huyện Định Quán đã phối hợp vận động tổ chức 7 đợt công tác Dân vận, huy động hàng chục tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đến cuối năm 2018, cả 13/13 xã trong huyện đều đạt chuẩn và được công nhận xã nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND huyện nói.
Với đặc thù là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, công tác vận động người dân được chú trọng và triển khai sâu rộng đến từng địa bàn ấp. Trong đó, huyện chú trọng phát huy vai trò những người có uy tín, già làng, trưởng bản… từ đó vận động người dân hưởng ứng nhiệt tình các phong trào hiến đất làm đường, góp công, góp của xây dựng nông thôn mới.
Khám bệnh miễn phí cho người dân xã Thanh Sơn trong đợt công tác Dân vận cuối năm 2018.
Chính nhờ sự đồng thuận trong nhân dân, huyện Định Quán đã khơi dậy và huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, MTTQ và chính quyền cùng cấp giữ vị trí trung tâm trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo cùng chung tay.
Thượng tọa Thích Đông Ngạn, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện cho rằng, nhờ chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện mà các tổ chức Phật giáo trên địa bàn có điều kiện tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện, đóng góp nhiều hoạt động vào chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Trung bình mỗi năm, Giáo hội Phật giáo huyện vận động Phật tử và nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng vào các hoạt động trên.
Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,5% với 8.115 hộ (năm 2011), đến nay huyện Định Quán chỉ còn 146 hộ nghèo, chiếm 0,32%. Tại xã La Ngà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lê Minh cho biết, Ủy ban MTTQ xã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND xã nhằm rà soát số hộ nghèo, hoàn cảnh cụ thể của từng hộ để có phương pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Từ 36 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo đầu năm 2018, xã đã vận động sự hỗ trợ của toàn dân giúp đỡ 11 hộ thoát nghèo và 13 hộ cận nghèo vươn lên xây dựng kinh tế ổn định.
Tập trung nâng cao đời sống nhân dân
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Diễm Châu, một trong những yếu tố quan trọng là sự phối hợp giữa chính quyền và mặt trận các cấp. Từ đó phát huy và khơi dậy quyền làm chủ của nhân dân trong tất cả các phong trào, hoạt động tại cơ sở. Nhờ làm tốt yếu tố này, nên tư tưởng, tâm trạng các tầng lớp nhân dân luôn ổn định, đồng tâm, hiệp lực cùng chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể xây dựng nông thôn mới. Qua hơn 7 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được gần 21.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước trên 3.148 tỷ đồng, chiếm 15%; còn lại là vốn huy động từ doanh nghiệp, nhân dân đóng góp. Riêng hệ thống đường giao thông trên địa bàn toàn huyện đã được đầu tư xây mới và nâng cấp 717 tuyến với tổng chiều dài 681km, kinh phí thực hiện trên 1.152 tỷ đồng.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, tất cả các công trình dân sinh, công trình nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đường giao thông, hạ tầng cơ sở… đều có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên...
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hoàng Xuân Mẫn cho rằng, khi quyền làm chủ của nhân dân được khơi dậy, phát huy và bảo đảm, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. 100% hội cựu chiến binh các xã, thị trấn trong huyện đều có thành viên trong ban giám sát cộng đồng. “Nhờ sự giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch mà người dân luôn đồng thuận, tin tưởng và ủng hộ tích cực các phong trào, cuộc vận động do các cấp, địa phương phát động”, ông Mẫn nói.
Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú chia sẻ, có thể khẳng định, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND và MTTQ các cấp trên địa bàn trong huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân mà Định Quán hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của huyện ngày càng tăng và đã đạt gần 50 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với năm 2011; giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp năm 2018 đạt trên 145 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2011. “Thời gian tới để tiếp tục xây dựng huyện nông thôn mới có chiều sâu, phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, đưa chất lượng cuộc sống các tầng lớp nhân dân ngày càng tốt hơn, UBND huyện sẽ căn cứ các mục tiêu cụ thể, tập trung nâng chất các vùng nông thôn mới tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Tú nhấn mạnh.
“Theo Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú, xây dựng nông thôn mới chính là cuộc cách mạng sâu sắc và toàn diện, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân đã nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi và đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Cũng từ đó tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư được gắn bó sâu sắc, góp phần giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn.
N. Trinh
Tác giả: Cù Thị Thuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập