Hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế

Chủ nhật - 07/07/2019 23:45
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ngày hội Sáng tạo khởi nghiệp năm 2019 và diễn đàn Giải pháp hỗ trợ thanh niên nông thôn làm kinh tế vừa được Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức vào cuối tuần qua, tại huyện Định Quán. Đây là dịp để thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh chia sẻ những ý tưởng khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; đồng thời được giải đáp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp tại địa phương.​

Những mô hình kinh tế hiệu quả

Những năm trước đây, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan là vấn đề mà xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú gặp phải. Rác thải ở các khu dân cư được vứt thẳng ra đường hoặc các mương, suối hoặc nếu để gọn gàng thì cũng không được thu gom. Trước tình trạng trên, Đoàn thanh niên xã quyết định thành lập tổ hợp tác thu gom rác thải sinh hoạt nhằm bảo vệ môi trường và tạo thu nhập cho các tổ viên.

Vào buổi chiều mỗi ngày, xe thu gom rác của tổ hợp tác lại đều đặn thu gom rác thải sinh hoạt trong ngày của người dân 2 xã Thanh Sơn và Phú Lâm. Từ khi tổ hợp tác đi vào hoạt động, tình trạng rác thải trên địa bàn đã được thu gom đưa về điểm tập kết và nhà máy xử lý đúng quy định, tạo môi trường cảnh quan nông thôn sạch sẽ.

Để tạo được niềm tin, uy tín đối với các hộ dân, tổ hợp tác không chỉ duy trì việc lấy rác đúng giờ, gọn gàng mà còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Đến nay, tổ hợp tác đã có trên 2.000 “khách hàng” là người dân trên địa bàn hợp tác thường xuyên với số lượng rác thu gom trên 70 tấn/tuần, gần bằng 1/3 tổng lượng thu gom rác thải sinh hoạt trong toàn huyện.

Mô hình thu gom rác của Đoàn xã Thanh Sơn không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho thanh niên địa phương mà còn có ý nghĩa xã hội. Đây cũng là mô hình vừa được Trung ương Đoàn chọn hỗ trợ vốn trong số các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn cả nước.


 Đoàn viên, thanh niên tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp của thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Phát triển các mô hình kinh tế tập thể nhằm phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo của tuổi trẻ cũng là hướng đi mà các mô hình kinh tế do thanh niên nông thôn làm chủ hướng đến. Tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, Hợp tác xã thương mại dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuận Thiên đã tập trung trồng cây đinh lăng và các loại cây dược liệu cung ứng ra thị trường, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đến hết quý II-2019, hợp tác xã đã phát triển nâng tổng số lên 9 thành viên, vốn điều lệ 450 triệu đồng. Hiện tại, hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây đinh lăng với một doanh nghiệp ở Tây Ninh với thời hạn 15 năm, diện tích 100 ha nhằm mở rộng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn xã Quang Trung, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống thanh niên.

Trước thực trạng người dân tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành có xu hướng mở rộng quy mô chăn nuôi gà, tổ hợp tác chăn nuôi gà xã Bình Sơn ra đời. Anh Lê Phi Long, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, riêng ấp 7, xã Bình Sơn hiện có khoảng 200 hộ chăn nuôi gà quy mô lớn (trung bình 2.000 - 8.000 con/hộ). Tổ hợp tác ra đời với mục tiêu liên kết các thành viên, nhất là thanh niên nông thôn phát triển mô hình chăn nuôi gà tại địa phương. Hiện tổ hợp tác đã có 15 thành viên với đàn gà quy mô từ 80.000 - 100.000 con.  

Còn với anh Lưu Nhật Đồng, người đã thành công với mô hình chăn nuôi dê tại xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ thì thanh niên nông thôn có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đa phần thanh niên nông thôn vẫn chưa tận dụng được những lợi thế này. Theo anh Đồng, tùy vào đặc điểm, lợi thế của địa phương, thanh niên nên thử sức với các mô hình nhỏ, dễ làm, ít vốn. “Mỗi thanh niên đều có ý tưởng và mục tiêu phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương chính là nền tảng để vùng nông thôn vươn lên, nâng cao đời sống cũng như hạn chế các tệ nạn xã hội trong thanh niên nông thôn hiện nay” anh Đồng chia sẻ.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về khởi nghiệp, Đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 - 2022 của Trung ương Đoàn; kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018 - 2023 của UBND tỉnh, vừa qua Tỉnh đoàn đã tổ chức các chương trình nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh với tổng số vốn trên 138 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức các chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”; tổ chức tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp; vận động thanh niên sản xuất - kinh doanh trao đổi kinh nghiệm làm giàu chính đáng...

Tiếp tục đồng hành cùng thanh niên

Mặc dù đã có những ý tưởng, mô hình kinh tế mang lại hiệu quả nhưng trên thực tế, thanh niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập thân lập nghiệp. Bí thư Xã đoàn Thanh Sơn, huyện Tân Phú Trần Đức Hòa cho biết, hiện tổ hợp tác thu gom rác đã đi vào hoạt động ổn định, mở rộng lượng khách hàng nhưng mức thu nhập từ mô hình này hiện chưa cao và tổ hợp tác cũng đang gặp khó khăn khi thiếu phương tiện vận chuyển. “Hiện tổ hợp tác chỉ có một chiếc xe thu gom rác, nếu trường hợp xe này bị hỏng thì việc thu gom rác hằng ngày sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện trên địa bàn huyện Tân Phú cũng chưa có nhà máy xử lý rác, do đó mục tiêu xa hơn của tổ là không chỉ thu gom mà còn có thể xử lý rác tại nguồn, sản xuất phân vi sinh từ rác thải... Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương và các nhà đầu tư”.

Bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho các thành viên, song theo anh Lê Phi Long, tổ hợp tác chăn nuôi gà xã Bình Sơn hiện gặp khó khăn về đầu ra. Theo đó, sản phẩm của tổ hợp tác hiện vẫn chủ yếu bán cho thương lái và phụ thuộc vào giá cả thị trường. Với mật độ nuôi dày, dễ phát sinh dịch bệnh cùng với việc chưa có sự liên kết bao tiêu sản phẩm từ doanh nghiệp khiến sản phẩm của tổ hợp tác vẫn gặp phải nguy cơ “dội chợ”…

Tại diễn đàn, thanh niên khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng nêu nhiều thắc mắc trong phát triển kinh tế tại địa phương như tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, cách tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương, thủ tục chuyển đổi từ tổ hợp tác lên hợp tác xã...

Theo đại diện Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, một số mô hình kinh tế của thanh niên Đồng Nai có thể đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Không chỉ hiện thực hóa ý tưởng, phát triển kinh tế, khi tham gia chương trình này, thanh niên nông thôn còn góp phần lan tỏa bản sắc địa phương, giữ gìn các giá trị tốt đẹp của nông thôn, qua đó làm tăng thu nhập và cải thiện bộ mặt nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững. Khi tham gia chương trình, thanh niên nông thôn sẽ được tập huấn, kết nối nguồn lực; hỗ trợ xây dựng và triển khai phương án kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đăng ký bảo hộ. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện để được nhận các hỗ trợ ở mức cao, các dự án tham gia cũng được tư vấn, đánh giá để biết sản phẩm, mô hình của mình đang ở đâu, định hướng phát triển ra sao…

Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bùi Thị Nhàn, với đặc thù diện tích đất nông nghiệp lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều lựa chọn, cơ hội để phát triển kinh tế. Việc hỗ trợ thanh niên làm kinh tế trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả trong thanh niên, góp phần thực hiện thành công tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đã được các cấp bộ Đoàn quan tâm đẩy mạnh. Cùng với việc tích cực hỗ trợ về kỹ năng, tổ chức tập huấn kiến thức sản xuất nông nghiệp, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, các cấp bộ Đoàn đã kết nối với các sở, ngành nhằm hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế của thanh niên cũng như giới thiệu các nhà đầu tư, hình thức vay vốn để phát triển ý tưởng, mô hình kinh tế. Đồng Nai cũng là một trong số ít các tỉnh thành lập được Quỹ Đồng hành với thanh niên theo hình thức xoay vòng hỗ trợ thanh niên vay vốn (từ 20 - 30 triệu đồng/người) để phát triển các mô hình kinh tế tại địa phương.

Trong Ngày hội Sáng tạo khởi nghiệp năm 2019 và diễn đàn Giải pháp hỗ trợ thanh niên nông thôn làm kinh tế, Tỉnh đoàn đã tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng nông thôn mới lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các điển hình trong thực hiện phong trào “Sáng tạo trẻ”, “3 trách nhiệm”; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình sản xuất sản phẩm từ cây ca cao tại Công ty ca cao Trọng Đức.

Thảo Nguyên

Tác giả: Lê Thị Phương Uyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây