Đưa múa dân gian Đồng Nai đến sân chơi lớn toàn quốc

Chủ nhật - 12/06/2022 09:16
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Một trong những tín hiệu vui trong gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật là hiện ngày càng có nhiều cấp, ngành, nghệ sĩ, diễn viên Đồng Nai tâm huyết với múa dân gian dân tộc.

Kịch múa Nguồn sáng tương lai của Đồng Nai tham gia Hội thi múa không chuyên toàn quốc 2022
Kịch múa Nguồn sáng tương lai của Đồng Nai tham gia Hội thi múa không chuyên toàn quốc 2022

Không chỉ trong đào tạo nghệ thuật mà ngay cả trên các sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên, múa dân gian đã có bước “chuyển động” mới, phù hợp với xu thế thời đại. Nhiều đơn vị đã đưa múa dân gian Đồng Nai đến các sân chơi lớn trong toàn quốc.

Ra sân chơi lớn…

Diễn viên múa Thanh Tùng (ngụ tại TP.Biên Hòa) cho biết, múa không chuyên toàn quốc năm 2022 anh mang đến 2 tiết mục, kể câu chuyện xuyên suốt của hành trình đấu tranh, giành lại độc lập của dân tộc. Trong cuộc đấu tranh ấy, hàng triệu người con ưu tú của Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ. Những ký ức, nỗi nhớ, những vết thương hằn sâu trong cơ thể và cả những giấc mơ, những mất mát, những trận chiến đấu ác liệt cùng bao đồng đội đã ra đi mãi mãi vẫn là những nỗi đau còn nguyên đó. Thậm chí còn nguyên cả trong giấc mơ người còn sống.

“Những cống hiến, đóng góp to lớn của những người con yêu quê hương ấy được tôi và bạn diễn tái hiện qua bài múa Nỗi đau của chúng tôi. Bên cạnh đó, tôi còn đưa câu chuyện về những người con Đồng Nai hôm nay đang nỗ lực ngày đêm lao động sản xuất, xây dựng quê hương, nhất là người nông dân “một nắng hai sương” làm ra hạt lúa qua bài múa Mót. Các bài múa được sáng tạo dựa trên văn hóa dân gian Đồng Nai nhưng mang hơi thở mới, sức sống mới, tạo sự gần gũi với khán giả, song vẫn phải giữ được tính dân tộc trong đó” - anh Tùng chia sẻ.

Quá trình xây dựng công trình điện Trị An được biên đạo múa Lâm Đại (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) kể chuyện rất công phu trong bài múa Nguồn sáng tương lai. Là công trình “dời núi - ngăn sông” với quá trình lao động miệt mài bất kể ngày đêm của các chuyên gia, kỹ sư Liên Xô và người dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân Đồng Nai đã đưa thủy điện Trị An hòa vào lưới điện quốc gia. Công trình đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện của các tỉnh, thành phía Nam, đảm bảo nguồn nước tưới cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất.

“Nguồn sáng tương lai được xây dựng theo hình thức là kịch múa tình tiết. Ở đây, các câu chuyện được kể theo trình tự thời gian, từ quá khứ cho đến hiện tại. Với những tình tiết được phục dựng, chúng tôi kết hợp việc giữ nguyên những điệu múa dân gian của đồng bào Chơro vừa phát triển dựa trên chất liệu của nghệ thuật múa đương đại. Các diễn viên múa không chuyên đã rất cố gắng nắm bắt tinh thần để chuyển tải những thông điệp của nghệ thuật múa Đồng Nai đến với khán giả cả nước” - biên đạo Lâm Đại nói.

Múa đôi Nỗi đau của chúng tôi do Hoàng Anh, Thanh Tùng biểu diễn
Múa đôi Nỗi đau của chúng tôi do Hoàng Anh, Thanh Tùng biểu diễn

Phát huy và lan tỏa trong cộng đồng

Theo nghệ sĩ múa Lâm Bảo Thịnh, giảng viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, xã hội ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, các hình thức văn hóa giải trí hiện đại cũng đang lấn át văn hóa truyền thống. Việc gìn giữ và phát huy múa truyền thống cũng vì thế trở nên khó hơn. Nhưng khó mấy cũng phải bảo tồn, nếu không sẽ mất đi một kho tàng văn hóa rất quý giá của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung, để vốn văn hóa của dân tộc phát huy hết giá trị nghệ thuật, ý nghĩa trong đời sống cũng như lưu truyền lâu dài cho các thế hệ mai sau.

Bà Tôn Thị Thanh Tình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết: “Múa dân gian Đồng Nai mang trong mình vẻ đẹp cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo riêng có của vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển. Đưa loại hình nghệ thuật này tham gia Hội thi múa không chuyên toàn quốc năm 2022 tại tỉnh An Giang, chúng tôi muốn giới thiệu những nét đặc sắc tiêu biểu văn hóa địa phương, quá trình xây dựng nông thôn mới Đồng Nai… Từ hội thi, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh mong muốn được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân”.

Tác giả: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây