(CTT-Đồng Nai) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1658/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 6 năm 2025 đưa Lễ hội Sayangva (Cúng thần Lúa) của người Cho-ro ở Đồng Nai vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Không gian tổ chức lễ hội Sayangva của người Chơ ro tại xã Phú Lý chụp từ trên cao
(Nguồn: Bảo tàng Đồng Nai)
Không gian tổ chức lễ hội Sayangva của người Chơ ro tại xã Phú Lý chụp từ trên cao
(Nguồn: Bảo tàng Đồng Nai)
Chơ-ro là tộc người thiểu số trong thành phần 54 dân tộc ở Việt Nam. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Chơ-ro ở Việt Nam có dân số 29.520 người (nam 14.822 người, nữ 14.698 người), cư trú tại 36 trên tổng số 63 tỉnh và thành phố. Đồng Nai chính là địa phương có số lượng người Chơ-ro sinh sống nhiều nhất cả nước, có 16.738 người (chiếm 56,70% người Chơ-ro ở Việt Nam). Ở Đồng Nai, Chơ-ro là một trong bốn tộc người tại chỗ (bao gồm Kơho, Mạ, X’tiêng và Chơ-ro) có số dân đứng thứ tư trong số hơn 50 dân tộc sinh sống. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người Chơ-ro ở Đồng Nai đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Đặc biệt, người Chơ-ro ở những địa phương như Lý Lịch (huyện Vĩnh Cửu), Túc Trưng (huyện Định Quán),...
Tộc người Chơ-ro ở Đồng Nai có đời sống văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, độc đáo, tiêu biểu được kế tục qua nhiều thế hệ. Trong đó, lễ hội
Sayangva (cúng thần Lúa) là lễ hội truyền thống, có từ lâu đời được các thế hệ nối tiếp duy trì cho đến ngày nay.

Cổng lễ hội Sayangva năm 2023 của người Chơ ro ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu
(Nguồn: Bảo tàng Đồng Nai)
Cổng lễ hội Sayangva năm 2023 của người Chơ ro ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu
(Nguồn: Bảo tàng Đồng Nai)
Lễ hội mang dấu ấn lễ nghi nông nghiệp, được tổ chức với mục đích tạ ơn thần linh, tổ tiên và đặc biệt là thần Lúa đã cho cộng đồng mùa bội thu và cầu xin mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, mọi nhà được no đủ, đồng thời cũng là dịp để cầu an, cầu phúc cho gia đình, dòng tộc, cộng đồng. Lễ hội Sayangva có vai trò, ý nghĩa lớn đối với cộng đồng Chơ-ro nói riêng cũng như các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung. Lễ hội đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, cố kết tính cộng đồng; nơi thực hành các di sản văn hóa như: Cồng chiêng, ẩm thực, lễ nghi, trang phục,...
Từ những thực tiễn trên, qua đối chiếu các khoản của Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Sayangva của người Chơ-ro ở Đồng Nai xứng đáng được ghi danh.