Công nghệ số - cơ hội cho sân khấu, điện ảnh phát triển

Thứ tư - 27/12/2023 20:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT - Đồng Nai) - Luôn bền bỉ với công tác tiếp cận khán giả trẻ nhiều năm qua, sân khấu ở Đồng Nai đã tích cực ứng dụng công nghệ số, livestream để phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh sân khấu, sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của thị trường điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây đang tạo ra môi trường nhiều cơ hội để giúp Đồng Nai trở thành điểm đến của ngành điện ảnh.

Thế mạnh của nghệ thuật biểu diễn
Nghệ thuật biểu diễn gồm khá nhiều ngành như ca, múa, nhạc, kịch, cải lương... Nghệ thuật biểu diễn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và là một bộ phận cốt lõi của công nghiệp văn hóa hiện nay. Trước năm 2020, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ít được khán giả trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, nhà hát đã ứng dụng công nghệ, livestream hàng trăm chương trình ca múa nhạc, cải lương, múa rối cạn, rối nước đến công chúng.

Vở cải lương Khơi nguồn được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai livestream, phát sóng trên các kênh VTV
Vở cải lương Khơi nguồn được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai livestream, phát sóng trên các kênh VTV

Chỉ tính riêng năm 2023, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã biểu diễn 310 buổi, trong đó có hơn 100 buổi biểu diễn livestream. Các buổi biểu diễn livestream ngoài những đổi mới, sáng tạo trong kịch bản, âm nhạc, diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên còn sử dụng màn hình Led hỗ trợ rất hiệu quả, khiến cho phối cảnh rất thực và sống động. Các chương trình ca múa nhạc, trích đoạn, vở diễn cải lương mang hơi thở thời đại, có tính thời sự, thông điệp rõ ràng, có tính giáo dục cao phù hợp với nhiều đối tượng khán giả.
Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Đồng Thị Quế Anh cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay nhà hát tiếp tục nhiều suất diễn và chương trình livestream phục vụ công chúng khán giả những nền tảng mạng xã hội quen thuộc như Facebook, Youtube. Việc livestream giúp khán giả và nghệ sĩ tương tác thông qua lượt Like (thích), Share (chia sẻ). Đây là cách để nhà hát đưa các chương trình nghệ thuật đến với công chúng mọi nơi đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng như như giúp các chương trình của nhà không ngừng đổi mới, hoàn thiện hơn.
“Bên cạnh livestream, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai còn công chiếu các chương trình ca múa nhạc, sân khấu trên sóng các đài phát thanh. Trong đó chủ đạo là Đài PT-TH Đồng Nai, phục vụ bà con trong tỉnh. Qua đó, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân” - bà Quế Anh chia sẻ.
Tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, cũng thường xuyên ứng dụng mạng xã hội để livestream, phát sóng các chương trình nghệ, tuyên truyền lưu động thuật đặc sắc. Phó giám đốc Trung Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng nói rằng, công nghệ 4.0 đã tạo điều kiện để trung tâm lan tỏa được sản phẩm nghệ thuật (kịch nói, đờn ca tài tử, ca múa nhạc và triển lãm). Nhờ thế mạnh này mà người dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được với nghệ thuật, với thông tin tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã đầu tư, đổi mới công nghệ, phương tiện máy móc mới, đưa điện ảnh về cơ sở, phục vụ khán giả
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã đầu tư, đổi mới công nghệ, phương tiện máy móc mới, đưa điện ảnh về cơ sở, phục vụ khán giả

“Trong thời gian tới, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ trong dàn dựng, biểu diễn, đưa nghệ thuật đến với khán giả trong và ngoài tỉnh. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn song với quyết tâm chuyển đổi số của tỉnh, của ngành Văn hóa, của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh chắc chắn nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng của Đồng Nai sẽ ngày càng lan tỏa và nhân rộng” - bà Hồng nói.

Cơ hội cho ngành điện ảnh
Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi thực hiện nhiều khâu với nguồn nhân lực sáng tạo lớn. Trước đây, để làm một bộ phim cần ê kíp hùng hậu: Viết kịch bản, đạo diễn, quay phim, đạo cụ, phục trang, diễn xuất, hậu kỳ… Nhưng giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính cá nhân với sự hỗ trợ của các phần mềm, bất cứ ai cũng có thể làm phim. Điện ảnh ngày nay đã chuyển đổi từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số và hình thức này đang hỗ trợ các nhà làm phim tạo nên những tác phẩm có chất lượng hình ảnh, âm thanh cao, kỹ xảo hình ảnh không tưởng, đồng thời giảm bớt nhân lực.
Công nghệ hiện đại cũng tác động đến việc phổ biến phim thông qua hệ thống rạp chiếu, đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho khán giả. Các rạp chiếu phim tư nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được đầu tư công phu, hình ảnh sống động, rực rỡ, âm thanh vượt trội. Việc đầu tư này nhằm đáp ứng nhu cầu xem phim chất lượng ngày càng cao của khán giả Đồng Nai, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh. Đặc biệt, các nghệ sĩ đã tận dụng công nghệ hiện đại, để học tập kinh nghiệm diễn xuất từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời tự quay diễn xuất của mình trong lúc tập để kịp thời điều chỉnh trước khi ghi hình chính thức.
Đối với rạp chiếu phim quốc doanh như: Thanh Bình, Khánh Hưng…mặc dù nằm ở vị trí trung tâm đã tạm ngưng hoạt động chiếu phim, bởi hạ tầng, hệ thống trang thiết bị ở các rạp đã xuống cấp, chưa đáp ứng được sự phát triển của kỹ thuật chiếu phim hiện đại. Không còn chiếu phim tại rạp quốc doanh, hoạt động chiếu phim lưu động được xác định là thế mạnh, phù hợp với đối tượng khán giả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Bởi vậy, nhiều năm qua, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã đầu tư, đổi mới công nghệ, phương tiện máy móc mới, đưa điện ảnh về cơ sở, phục vụ khán giả.

Người dân mua vé xem tại rạp CGV Biên Hòa
Người dân mua vé xem tại rạp CGV Biên Hòa

Theo các nhà làm phim, Đồng Nai là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, muốn phát triển cần phải có những tác phẩm hay về đất và người Đồng Nai trong quá khứ cũng như hiện tại, ứng dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu khán giả hôm nay. Điều này cần sự đầu tư đồng bộ từ hạ tầng cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đến công tác sáng tác kịch bản, nâng cao trình độ đạo diễn, diễn viên, quay phim… và phát hành, phổ biến phim. Bên cạnh đó, bản thân nghệ sĩ cũng phải liên tục trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, chủ động tiếp cận kỹ thuật, công nghệ điện ảnh tiên tiến để ứng dụng trong hoạt động sáng tạo.

Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây