Xử lý tranh chấp khi vợ, chồng có tài sản riêng

Thứ năm - 21/09/2023 10:27
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Pháp luật không bắt buộc vợ hoặc chồng phải sáp nhập tài sản riêng có trước hôn nhân vào khối tài sản chung. Tuy nhiên, khi 2 vợ chồng ly hôn vẫn xảy ra rắc rối về tài sản
Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh (tay trái) tư vấn pháp luật về tài sản cho người dân tại buổi tuyên truyền
Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh (tay trái) tư vấn pháp luật về tài sản cho người dân tại buổi tuyên truyền

Trước khi kết hôn với bà N.T.N. (ngụ H.Vĩnh Cửu), ông M.P.L. (ngụ cùng địa phương) có một khu đất rộng trên 2 sào (do ông đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Sau khi kết hôn, ông L. đồng ý để vợ bỏ số tiền trên 3 tỷ đồng (tài sản riêng của bà N.) đầu tư xây nhà trọ trên đất của mình để kinh doanh và thỏa thuận với nhau (không lập văn bản), vợ chồng là vợ chồng nhưng tài sản của ai thì của riêng người đó quản lý, định đoạt.

Năm 2019, ông L. và bà N. ly hôn. Lúc này, ông L. yêu cầu bà N. dỡ nhà trả lại đất cho ông, nhưng bà N. không đồng ý. Do nhiều lần yêu cầu bà N. trả đất không được, ông L. âm thầm tìm người chuyển nhượng 2 sào đất khiến bà N. bức xúc dẫn tới tranh chấp.
Trường hợp giữa bà N. và ông L., theo luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh), do hai bên phân biệt rõ đất của ông L., còn nhà trọ của bà N. nên khi phân chia tài sản thì pháp luật cũng bắt buộc từng bên chứng minh được đó là tài sản riêng hợp pháp của mình có trước hôn nhân hoặc trong thời kỳ hôn nhân như: được cha mẹ cho riêng, tạo dựng từ tài sản riêng của mình trước hôn nhân... Còn nếu không chứng minh được thì tài sản đó được xem là tài sản chung của vợ chồng tạo lập được trong hôn nhân nên đành phải phân chia mỗi người một phần bằng nhau. Còn khi họ chứng minh được đó là tài sản riêng của từng người thì lại phát sinh rắc rối là bà N. không thể dời nhà ra khỏi đất của ông L. được.

“Do đó, nếu ông L. và bà N. không tự thỏa thuận được cách phân chia thì nhờ pháp luật phân chia theo hướng: bà N. định giá trị tài sản rồi yêu cầu ông L. mua lại, hay ông L. định giá trị đất rồi yêu cầu bà N. thanh toán tiền. Hoặc cả 2 chuyển nhượng cho bên thứ 3 toàn bộ giá trị nhà và đất, sau đó phần của ai người đó nhận” - luật sư Cao Sơn Hà hướng dẫn.

Ngoài ra theo luật sư Đỗ Văn Gọn (Hội Luật gia tỉnh), hiện tại không có quy định nào ngăn cấm việc vợ chồng đưa tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vào tài sản riêng. Tuy nhiên, việc đưa tài sản chung vào tài sản riêng đó phải hợp pháp và không thuộc trường hợp Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 xác định bị vô hiệu như: ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ 3.

Tác giả: Quỳnh Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây