(CTT-Đồng Nai) - Thửa đất liền kề được hưởng quyền về lối đi; cấp nước, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác…

Luật sư Phan Mạnh Hoàng (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn pháp luật về tranh chấp đất đai cho người dân (tay phải). Ảnh: Nhân Thái
Luật sư Phan Mạnh Hoàng (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn pháp luật về tranh chấp đất đai cho người dân (tay phải). Ảnh: Nhân Thái
Vấn đề này được Điều 29 Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ 1-8-2024) quy định, trên cơ sở kế thừa Điều 171 Luật Đất đai năm 2013 (Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề).
Tình huống thực tế cần giải quyết
Ông P.C.V. (ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) trình bày, đất của ông giáp ranh với đất của ông L.V.Q. (ngụ cùng địa phương và cả 2 thửa đất đều được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)). Trong quá trình sử dụng đất (SDĐ), ông có để nước mưa, nước sinh hoạt tràn sang đất của ông L.V.Q. nên ông L.V.Q. đề nghị ông khắc phục, nếu không khắc phục sẽ nhờ pháp luật can thiệp.
Do đất đã có sổ đỏ nên ông N.H. (ngụ xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) dự tính xây dựng tường rào bao quanh đất. Việc này gặp trở ngại từ phía hàng xóm của ông N.H. là ông V.X. (ngụ cùng địa phương). Ông V.X. đưa ra lý do, đất của ông cần lối đi ra bên ngoài, nếu ông N.H. xây tường rào bao quanh đất sẽ làm ảnh hưởng tới việc SDĐ của gia đình ông. Chính vì vậy, ông V.X. đề nghị ông N.H. xây tường rào thì phải chừa lối đi cho ông, nếu ông N.H. không thực hiện thì ông sẽ ngăn chặn bằng cách khởi kiện ra tòa.
Vướng mắc của các ông: P.C.V. và N.H. được luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) trao đổi như sau, đó là các tình huống pháp lý thường gặp, phát sinh trong quá trình SDĐ đối với các thửa đất liền kề của người dân. Vấn đề này đã được Luật Đất đai năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh, nhưng do nay Luật Đất đai năm 2013 được thay thế bởi Luật Đất đai năm 2024 nên cũng cần thông tin để người dân biết, tiếp cận và hiểu đúng vấn đề.
Hưởng quyền lối đi, thoát nước
Luật sư Nguyễn Văn Nam phân tích, quyền đối với thửa đất liền kề được Điều 29 Luật Đất đai năm 2024 quy định, bao gồm quyền về lối đi; cấp nước, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí gas; lắp đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác theo quy định của pháp luật. Việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự; đồng thời, phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 133 của Luật Đất đai năm 2024 đối với trường hợp quyền về lối đi; cấp nước, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác.
Đồng thời, tại Điều 245 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền đối với BĐS liền kề. Đây là quyền được thực hiện trên một BĐS (gọi là BĐS chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một BĐS khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là BĐS hưởng quyền). Do đó, trong quá trình SDĐ, người dân cần nắm bắt, hiểu đúng quy định này để thượng tôn pháp luật, gắn kết cộng đồng, hạn chế phát sinh tranh chấp.
Trên cơ sở đó, luật sư Nguyễn Văn Nam giải đáp, khi phát sinh tranh chấp mà các bên không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu UBND xã nơi có đất tranh chấp giải quyết. Khi UBND cấp xã nơi có đất giải quyết không thành thì một hoặc cả hai bên có quyền khởi kiện và yêu cấp tòa án giải quyết.