(CTT-Đồng Nai) Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2022 có hiệu lực từ 1-7 với nhiều điểm mới đáng chú ý. Trong đó, bổ sung các hành vi bị coi là BLGĐ và sửa đổi nhiều nội dung trong Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 cho phù hợp với thực tế, đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận.

Những điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (ảnh Internet)
Những điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (ảnh Internet)
* Nhiều điểm mới tích cực
Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 quy định rõ các hành vi BLGĐ, hành vi bị cấm cùng các hình thức xử lý vi phạm, bổ sung nhiều quyền của người bị BLGĐ… là những điểm mới tích cực, giúp ngăn chặn vấn nạn BLGĐ hiệu quả hơn.
Theo luật sư Ngô Văn Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 có nhiều điểm mới. Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 quy định chỉ có 9 hành vi BLGĐ, trong khi luật mới đã tăng lên 16 hành vi, trong đó có nhiều hành vi mà trước nay nhiều người không nghĩ đó là hành vi BLGĐ và không lường trước được hậu quả có thể xảy ra như: bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi…; kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính…; cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng…
Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 xác định trẻ em luôn là đối tượng đầu tiên mà luật hướng tới để bảo vệ khỏi bạo lực cũng như ảnh hưởng của các hành vi BLGĐ. Cụ thể, tại Khoản 6, Điều 5 của luật quy định: Ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên yếu thế trong gia đình (phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em…); hay khoản 2 Điều 31 nêu rõ: Ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật.
Khi BLGĐ xảy ra, trẻ em cũng là đối tượng ưu tiên trước nhất được bảo vệ, hỗ trợ; đặc biệt, bạo lực với trẻ em là tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Song song đó, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 cũng quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan chức năng, từ các bộ, ban, ngành đến các tổ chức xã hội, chính quyền sở tại trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn BLGĐ cũng như các cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện và xã hội hóa công tác này…
Việc bổ sung nhiều quyền của người bị BLGĐ được xem là điểm mới tích cực. Nạn nhân được yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và khắc phục hậu quả; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm…
* Để luật đi vào cuộc sống
Có thể thấy, BLGĐ là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 đã bổ sung nhiều cơ sở pháp lý để việc phòng, chống BLGĐ có hiệu quả hơn.
BLGĐ là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, gắn liền với truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa phương và nhận thức, suy nghĩ của người dân. “Phòng, chống BLGĐ không chỉ bao gồm việc áp dụng và thực thi pháp luật mà còn phải gắn với việc thực hiện bình đẳng giới và công tác xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc” - bà Nguyễn Thị Hồng Phúc (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLGĐ là do nhận thức của một số người dân còn hạn chế và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn... Mặt khác, có rào cản về phong tục, tập quán, suy nghĩ bất bình đẳng giới, nhiều bậc cha mẹ giữ quan điểm dạy con thương cho roi cho vọt. Đáng buồn là vẫn còn nhiều người có quan niệm chuyện chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con là chuyện riêng của mỗi gia đình, người khác không thể can thiệp dẫn đến việc cố nhẫn nhịn, chịu đựng nạn BLGĐ…
Mặt khác, nguyên nhân làm cho BLGĐ nghiêm trọng hơn còn có phần trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chưa thật sự quan tâm đúng mức đối với công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ.
Để luật sớm đi vào cuộc sống, theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Trẻ em năm 2016… nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về BLGĐ; chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống BLGĐ; bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành luật, nhất là ở cấp cơ sở; đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ theo đúng quy định của pháp luật…