(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai còn 32,6 ngàn người khuyết tật (NKT) đặc biệt nặng, NKT nặng và hộ gia đình chăm sóc NKT đặc biệt nặng đang sống nhờ vào trợ cấp thường xuyên của Nhà nước, quan tâm của cộng đồng.
Cùng với hỗ trợ về vật chất để người khuyết tật (NKT) có được mức sống cơ bản, chính quyền các cấp và cộng đồng còn chú trọng đến việc đào tạo nghề và trợ giúp để NKT làm nghề.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh kết nối tổ chức Latter Day Saint Charities(LDSC/Hoa Kỳ) tài trợ cho Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh 12 tivi trị giá 147,8 triệu đồng
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh kết nối tổ chức Latter Day Saint Charities(LDSC/Hoa Kỳ) tài trợ cho Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh 12 tivi trị giá 147,8 triệu đồng
Tạo điều kiện để người khuyết tật học nghề
Trước tiên, nhiều trẻ khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập được tạo điều kiện thuận lợi để học văn hóa, học các môn năng khiếu với mong muốn các em được tiếp cận những ngành nghề mang hàm lượng tri thức cao hơn.
Theo bà Lê Thị Nam Nhạn, Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, trung tâm đang nuôi dạy trên 240 em với các dạng khuyết tật: khiếm thị, khiếm thính và chậm phát triển. Cùng với chương trình học văn hóa theo sách giáo khoa, các em còn được hướng dẫn thêm kỹ năng sống như: kỹ năng tự phục vụ, giao tiếp, đọc chữ nổi, các môn năng khiếu… để hòa nhập với cộng đồng. Nhiều em sau khi hoàn thành chương trình học tại đây tiếp tục theo học các chương trình đại học hay nghệ thuật và sau đó tìm được công việc phù hợp với bản thân.
Còn với NKT ở cộng đồng, tùy theo khả năng lao động và dạng tật mà mỗi trường hợp được tạo điều kiện học nghề khác nhau.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Bảo Trân cho hay, từ các chương trình đào tạo nghề do Tỉnh hội thực hiện, toàn tỉnh đã có 19 cơ sở, tổ, nhóm dịch vụ xoa bóp hoạt động và giải quyết việc làm cho 62 lao động là người mù với mức thu nhập ổn định từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Đây là nỗ lực rất lớn của tổ chức hội, cũng như tự thân mỗi hội viên và gia đình họ.
Anh Phạm Anh Kiệt (người mù ngụ xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) được Hội Người mù tỉnh gửi đi học nghề xoa bóp tại Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng Hội Người mù Việt Nam ở thành phố Hà Nội. Kết thúc khóa học, anh được cấp chứng chỉ hành nghề và tìm được công việc với thu nhập ổn định và học thêm để nâng cao tay nghề.
Ngoài ra, các chương trình tư vấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh phối hợp thực hiện. Qua đó, có hơn 300 nạn nhân chất độc da cam đã được học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ khí…
Giúp người khuyết tật có việc làm sau học nghề
Không chỉ hỗ trợ đào tạo nghề mà NKT còn được tạo điều kiện để thực hành nghề nghiệp mà mình đã được đào tạo bằng nhiều hình thức. Trong đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh kết nối các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ trang thiết bị dạy và học văn hóa, học nghề tại các cơ sở đào tạo dành cho NKT. Như mới đây, thông qua kết nối của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Tổ chức Latter - day Saint Charities (LDSC/Hoa Kỳ) đã tài trợ cho Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh 12 tivi trị giá 147,8 triệu đồng. Đây là món quà rất ý nghĩa với học sinh và thầy cô tại trung tâm, giúp cho việc dạy và học trở nên sinh động hơn so với trước.
Ngoài ra, việc tạo điều kiện để NKT tiếp cận nguồn vốn được xem là yếu tố quan trọng. Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Mai Văn Nhỏ, thông qua kết nối các nguồn lực cộng đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đang hỗ trợ vốn sản xuất và vật nuôi cho 301 người với tổng số tiền gần 3,7 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi hội cấp xã còn hỗ trợ vốn vay cho từ 2-5 trường hợp với số tiền từ 2-20 triệu đồng/người để nạn nhân chất độc da cam buôn bán nhỏ tại nhà, nhận hàng về gia công…
Còn Hội Người mù tỉnh đang hỗ trợ vốn cho 102 hội viên với tổng số tiền trên 1,1 tỷ đồng từ quỹ hội. Ngoài ra, Hội Người mù tỉnh còn kết nối các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các hội hỗ trợ NKT trong cả nước để giúp cho 8 hội viên vay vốn sản xuất nông nghiệp, buôn bán tại nhà.
Riêng Mặt trận các cấp, thời gian qua, vốn và tư liệu sản xuất (con giống, cây giống, một số loại máy cơ khí nhỏ…) được cộng đồng trợ giúp cho hàng ngàn lượt NKT với trị giá nhiều tỷ đồng.
Cùng với đó, để giúp NKT nâng cao tay nghề, các cơ quan chức năng của tỉnh còn hỗ trợ NKT tham gia các chương trình bồi dưỡng nghề nghiệp. Theo đó, mỗi năm, Hội Người mù tỉnh tổ chức chương trình tập huấn dành cho hội viên hành nghề xoa bóp. Tại đây, người mù được các y, bác sĩ có chuyên môn trong lĩnh vực vật lý trị liệu bổ túc kiến thức và các phương pháp, kỹ thuật xoa bóp.