(CTT-Đồng Nai) - Ngay sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe lôi tự chế và xe máy làm một người tử vong thương tâm trên quốc lộ 51, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng xe ba gác tự chế, xe ba gác máy ngang nhiên chở hàng cồng kềnh; xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh, xe máy cày kéo rơ-moóc, xe hết niên hạn sử dụng lưu thông trên các tuyến đường bộ gây mất ATGT.

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa xử lý một trường hợp xe ba gác chở các thanh thép cồng kềnh trên đường Bùi Trọng Nghĩa (thành phố Biên Hòa).
Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa xử lý một trường hợp xe ba gác chở các thanh thép cồng kềnh trên đường Bùi Trọng Nghĩa (thành phố Biên Hòa).
Tổng rà soát xe 3-4 bánh tự chế
Đầu tháng 6-2024 đến nay, hàng loạt cơ quan chức năng từ tỉnh đến địa phương đã bắt tay vào cuộc rà soát tất cả các loại xe công nông, xe 3-4 bánh tự chế, xe máy cày kéo rơ-moóc; xe ô tô hết niên hạn sử dụng trên địa bàn quản lý để lập danh sách quản lý chặt chẽ đối với các loại phương tiện này. Sở Giao thông Vận tải đã triển khai thông báo, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không đưa các loại phương tiện này hoạt động trên đường. Đặc biệt, nếu vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản, xử phạt và tịch thu phương tiện theo quy định.
Cũng vào đầu tháng 6-2024, Công an tỉnh đã gấp rút chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông và công an các huyện, thành phố tăng cường công tác điều tra cơ bản, xác định những tuyến đường, địa bàn trọng điểm thường xuyên có các loại xe 3-4 bánh tự chế, xe ba gác chở hàng cồng kềnh hoạt động. Qua đó, thông báo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có xe hết niên hạn sử dụng đến cơ quan cảnh sát giao thông làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định.
Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 15-9 các kết quả trong việc tuyên truyền và xử lý vi phạm với các xe ba gác chở hàng cồng kềnh, xe 3-4 bánh tự chế. Nhất là những xe không đăng ký, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe hết niên hạn sử dụng, các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông hoặc sử dụng giấy tờ bất hợp pháp để lưu hành.
Chủ tịch UBND phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Quốc Quân cho rằng, để dẹp xe ba gác hết niên hạn sử dụng, xe 3-4 bánh tự chế, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của toàn xã hội. Các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về giao thông đường bộ đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đơn vị thuê chở hàng, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký cam kết không thuê xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh. Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, đề cao trách nhiệm trong kiểm tra, sử dụng thiết bị ghi hình để có căn cứ xử phạt “nguội” phương tiện vi phạm về trật tự ATGT.
Vận động chuyển đổi phương tiện vận chuyển hàng hóa
Trên thực tế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng của người dân (nhất là tại các đô thị) rất lớn, chỉ có những phương tiện cơ giới có kích thước nhỏ mới đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Chính vì vậy, để đảm bảo cho các loại xe ba gác hoạt động đúng quy định, hiện nay UBND các huyện, thành phố Biên Hòa và Long Khánh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là các chủ các xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế nắm rõ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng vận động các chủ xe tự giác chấp hành, tham gia ký cam kết tháo dỡ phương tiện, không cho người khác thuê sử dụng và chuyển đổi công việc hoặc chuyển đổi phương tiện khác được pháp luật cho phép lưu hành. Đặc biệt, vận động để chủ phương tiện thực hiện chuyển đổi phương tiện, ngành nghề kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Giữa tháng 7-2024, UBND thành phố Biên Hòa có văn bản về việc chấn chỉnh tình trạng xe tự chế, xe hết niên hạn sử dụng chở hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm, mất ATGT trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu cơ quan chức năng, 30 phường (xã) trên địa bàn căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, vận động các tổ chức, cá nhân có điều kiện để hỗ trợ các hộ dân gặp khó khăn về kinh tế thực hiện chuyển đổi phương tiện mưu sinh. Nhất là những người chạy xe 3-4 bánh tự chế chuyển qua sử dụng các loại xe tải với khối lượng chuyên chở nhỏ và phù hợp quy định hiện hành.