Thời gian qua, lực lượng chức năng các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn trên gần 90 km đường sắt đi qua địa bàn tỉnh chạy qua 5 huyện, thành phố trong tỉnh.

Đường bộ giao cắt với đường sắt tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) được bố trí người gác chắn. Ảnh: Trúc Viên
Đường bộ giao cắt với đường sắt tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) được bố trí người gác chắn. Ảnh: Trúc Viên
Một trong những biện pháp là duy trì gác chắn trên tổng số 57 đường ngang hợp pháp (32 đường ngang có gác, 23 đường ngang phòng vệ bằng cần chắn tự động và 2 đường ngang phòng vệ biển báo) và cảnh giới tại các lối đi tự mở (hiện có 10/13 lối đi đang được tổ chức cảnh giới tại TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom và H.Xuân Lộc).
Còn tồn tại hành vi nguy hiểm
Theo phản ánh của Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, dọc tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh, tình trạng người dân xây dựng, đặt vật dụng, dừng, đậu xe lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt vẫn còn tồn tại. Điển hình như khu vực đường sắt gần ga Hố Nai (giáp ranh TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom) có nhiều cơ sở sản xuất đặt các khối gỗ lớn sát đường ray. Tương tự, khu vực đường sắt giao với đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) vẫn còn tình trạng người dân buôn bán, đi lại bên trong các thanh chắn.
Đáng nói, dọc theo hệ thống đường sắt đi qua địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện tình trạng người dân tùy tiện băng ngang đường sắt ở khu vực không phải đường ngang rất nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến 2 vụ tai nạn giữa xe lửa và người đi bộ làm 2 người chết vào trưa 7-10 tại H.Trảng Bom và sáng 8-6 tại TP.Biên Hòa.
Đồng thời, qua ghi nhận của lực lượng cảnh sát giao thông, trong 9 tháng của năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ ném đá lên xe lửa (11 vụ ở H.Trảng Bom, 1 vụ ở H.Thống Nhất). Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là những vụ việc do trẻ em nghịch ngợm; ngay sau khi ném đá, các em nhanh chóng bỏ đi nên rất khó xác định cụ thể người ném.
Tiếp tục xử phạt
Để hạn chế nguy cơ tai nạn đường sắt cũng như xử lý các điểm thường xuyên xảy ra vi phạm hành lang an toàn đường sắt, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp. Theo Sở GT-VT, từ giữa năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xử lý 66 lối đi tự mở còn tồn tại. Cụ thể, đã rào, xóa bỏ 53 lối đi tự mở; tổ chức cảnh giới tại 10 lối đi tự mở chưa thể xóa; rào thu hẹp 3 lối đi tự mở tại TP.Long Khánh, H.Trảng Bom và H.Xuân Lộc.
Các đội Cảnh sát giao thông - trật tự tại 5 huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến đường ngang giao cắt với đường sắt. Kết quả, đã phát hiện, xử lý đối với 519 trường hợp dừng, đậu phương tiện vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, vượt rào chắn, không chấp hành biển báo khi qua đường sắt…
Đại diện Phòng Kinh tế - hạ tầng H.Xuân Lộc, đơn vị đã phối hợp với ngành Đường sắt kiểm tra, phát hiện và lập biên bản đình chỉ thi công, yêu cầu hoàn trả hiện trạng đối với các hành vi vi phạm về hành lang an toàn đường sắt đối với nhiều trường hợp thuộc địa bàn xã Suối Cao (9 trường hợp) và Xuân Thọ (4 trường hợp).
Ồng Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở GT-VT nhận định, hiện nay các đường gom trong hành lang đường sắt chủ yếu là đường đất, mùa mưa đường lầy lội, mùa nắng nhiều bụi, gây khó khăn và mất an toàn cho người dân. Từ đó, Sở GT-VT kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GT-VT) hỗ trợ, tạo điều kiện cho địa phương cải tạo mặt đường, các lối đi tạm nhằm bảo đảm người dân lưu thông an toàn, thuận lợi.
Trong dịp cuối năm hiện nay, các đơn vị chức năng của Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ngành Đường sắt và chính quyền địa phương có đường sắt đi qua tổ chức kiểm tra hệ thống biển báo, vạch sơn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Từ đó, có cơ sở giao cho các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành chỉnh sửa, thay thế biển báo bị mờ, bị hỏng, sơn lại các vạch sơn bị mòn, mờ, bong tróc, tạo các lối đi êm thuận giữa đường bộ và đường sắt, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông.