Nội dung câu hỏi:
- Trong năm 2018 sẽ triển khai việc đóng BHXH cho lao động nước ngoài (LĐNN), hiện tại LĐNN đã phải đóng BHXH hay chưa? Doanh nghiệp sẽ tự đóng hay cơ quan BH có văn bản nhắc nhở để doanh nghiệp (DN) biết để tham gia?
- Người lao động nghỉ việc mà không có lý do chính đáng (05 ngày cộng dồn trong 01 tháng), theo quy định tại khoản 3 Điều 126 thì doanh nghiệp sẽ thực hiện xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động, tuy nhiên khi quay trở lại công ty thì người lao động lại đưa giấy nghỉ bệnh (C65), vậy trường hợp này công ty sẽ xử lý như thế nào? Trường hợp nào (đối với người lao động nghỉ quá số ngày quy định) thì được xem là trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật?
- Nếu người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc và ký hợp đồng với công ty Nhật Bản (3 năm), sau đó người lao động này được Công ty Nhật cử về Việt Nam làm việc (01 năm), vậy người lao động có phải làm giấy phép lao động như người nước ngoài hay không? Về việc tham gia quy định về bảo hiểm đối với người lao động này thì xử lý như thế nào?
Trả lời của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai:
Theo khoản 2, điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014: người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ nên cơ quan bảo hiểm xã hội chưa có cơ sở để thu BHXH bắt buộc của đối tượng này, mặc dù luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Vì vậy, tạm thời các doanh nghiệp chưa phải đóng BHXH bắt buộc cho người lao động nước ngoài. Ngay khi có văn bản chính thức của Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai sẽ thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn cụ thể bằng văn bản gửi tới doanh nghiệp và triển khai thực hiện theo quy định.
Trả lời của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Doanh nghiệp cần phân biệt rõ 02 lý do nghỉ việc khác nhau: Trường hợp người lao động nghỉ 05 ngày (không có lý do chính đáng và không thông báo cho người sử dụng lao động được biết) và quay trở lại làm việc thì doanh nghiệp thực hiện xử lý sa thải theo quy định.
Về nguyên tắc người sử dụng lao động chỉ được xử lý kỷ luật người lao động lao động đối với các quy định có trong Nội quy lao động. Trường hợp người lao động có giấy nghỉ bệnh là nghỉ có lý do chính đáng, vì vậy doanh nghiệp căn cứ vào việc có quy định trách nhiệm người lao động phải báo trước hay không báo trước cho người sử dụng lao động trong Nội quy lao động của doanh nghiệp hay không để xử lý kỷ luật người lao động.
Trường hợp người lao động nghỉ không có lý do chính đáng (05 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm) và người lao động không quay trở lại làm việc thì doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo (bằng văn bản) đề nghị người lao động quay trở lại làm việc, nếu quá thời hạn quy định mà người lao động không quay trở lại làm việc thì xem như người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật và doanh nghiệp sẽ thực hiện đúng quy định tại Điều 43 Bộ luật lao động về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.
Người lao động là người mang quốc tịch Việt Nam thì không phải cấp giấy phép lao động. Người lao động làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam thì phải thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, còn khi làm việc tại nước ngoài thì áp dụng theo luật pháp của nước sở tại mà người lao động đã ký kết theo hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp lưu ý về quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con, hệ thống pháp lý giữa công ty mẹ và công ty con là tách biệt, do đó làm việc ở công ty nào, đất nước nào thì tuân theo luật pháp của đất nước đó.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập