Luật An toàn vệ sinh lao động: Từng bước gỡ vướng trong thực hiện

Thứ năm - 28/06/2018 22:38
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hội đồng an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh vừa tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 40 doanh nghiệp các loại hình trên địa bàn tỉnh về triển khai Luật ATVSLĐ trong thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật ATVSLĐ đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tế, đảm bảo xây dựng văn hóa an toàn, đồng hành trong sản xuất bền vững. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện tại các doanh nghiệp.​

Nỗ lực đưa luật vào thực tiễn

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh cho biết, từ khi Luật ATVSLĐ chính thức có hiệu lực (1-7-2016) đến nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh đã triển khai đưa luật vào cuộc sống một cách nghiêm túc. Từ đó góp phần giảm mạnh, hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) trên nhiều mặt như số vụ, số người bị tai nạn, số người tử vong do TNLĐ, số thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động trong quá trình sản xuất. Cụ thể, tỷ lệ TNLĐ, BNN trong hai năm 2017 - 2018 giảm từ 35% đến 44% về số vụ và hơn 43% về thiệt hại.


Kiểm tra ATVSLÐ tại một doanh nghiệp FDI ở huyện Nhơn Trạch.

Để Luật ATVSLĐ đi vào thực tiễn và phát huy được hiệu quả, trong hai năm qua, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai luật tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong đó có kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ tỉnh hằng năm. Ngành LĐ-TBXH tổ chức hơn 20 lớp tập huấn, hướng dẫn gần 2.000 lượt doanh nghiệp và hàng chục ngàn lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Với các doanh nghiệp lớn, có đông công nhân lao động, ngành hỗ trợ, cử cán bộ trực tiếp đến doanh nghiệp tập huấn cho cán bộ làm công tác an toàn để triển khai đến người lao động….

Cùng với đó, Thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã phát hành gần 3.000 phiếu tự kiểm tra ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cùng hàng ngàn tờ gấp, áp phích, băng rôn treo tại các KCN, khu dân cư, chợ trong toàn tỉnh để tuyên truyền Luật ATVSLĐ. Riêng trong 2 Tháng hành động quốc gia ATVSLĐ (tháng 5-2017 và tháng 5-2018), Sở phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý công tác ATVSLĐ cho gần 800 cán bộ cấp huyện, xã, phường làm công tác liên quan và 16 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho gần 1.000 người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn lao động, cán bộ quản lý doanh nghiệp...

Nhằm đa dạng các hình thức tuyên truyền, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức các hoạt động đưa luật đến gần hơn với doanh nghiệp, người lao động như: Hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi”; hướng dẫn 735 doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động, tuyên truyền Luật ATVSLĐ cho trên 130.000 lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ trì phối hợp với thành viên Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đến thăm, tặng quà cho 20 gia đình và người lao động bị TNLĐ nặng… 

Tiếp tục gỡ vướng

Mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai với nhiều giải pháp song quá trình thực hiện Luật ATVSLĐ trong thực tế vẫn còn những bất cập. Ông Phạm Ngọc Ban, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa cho rằng, việc quản lý hoạt động kiểm định thiết bị an toàn, kiểm định viên làm kiểm định có thể phải xin nhiều giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định từ nhiều bộ, ngành quản lý gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đăng ký kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. “Chẳng hạn khi phải kiểm định thiết bị cẩu tháp thì chuyên gia kiểm định phải chờ ý kiến của 2 Bộ: Xây dựng và LĐ-TBXH; khi đăng ký kiểm định bình áp lực thì doanh nghiệp phải chờ cán bộ kiểm định của 2 Bộ LĐ-TBXH và Công thương…”, ông Ban nói.

Bà Vũ Thị Liễu, đại diện Công ty Nipon Paint Việt Nam nêu khó khăn khi thực hiện Nghị định số 45/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động. Theo đó, việc xác định thời giờ làm việc, nghỉ ngơi nên căn cứ cụ thể vào nhóm ngành nghề sản xuất theo đặc thù doanh nghiệp và cần điều chỉnh linh hoạt với điều kiện thực tế doanh nghiệp. Phương pháp xác định điều kiện lao động đối với ngành nghề độc hại nguy hiểm; các quy định danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện luật còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác tra cứu, thực thi.

Một khó khăn cũng được doanh nghiệp nêu lên là việc xác nhận tai nạn giao thông (TNGT) trên đường đi làm. Đại diện Phòng an toàn Công ty Hyosung Việt Nam Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, việc coi TNGT là TNLĐ trong quá trình người lao động đến doanh nghiệp làm việc hoặc từ doanh nghiệp trở về nhà đang gặp khó khăn. “Đó là việc phải có xác nhận của công an tại nơi xảy ra TNGT trong khi hầu hết các biên bản này đều rất khó được xác nhận. Bởi khi xảy ra TNGT, thường là những người có mặt tập trung đưa người bị tai nạn đi cấp cứu, ít có thời gian để quan tâm đến việc xác nhận xảy ra TNGT. Điều này gây khó khăn cho lao động và khó cho cả doanh nghiệp trong quá trình thực hiện”, ông Hưng nêu ý kiến.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh cho rằng, những kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được ngành ghi nhận đầy đủ. Từ đó tiến hành rà soát những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết, chỉ đạo phòng chức năng nhanh chóng giải quyết, hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện thuận lợi. Với những kiến nghị vượt quá thẩm quyền như việc xác nhận thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn của các bộ, ngành, yêu cầu điều chỉnh việc xác nhận TNGT trong quá trình đi làm hay quy định cụ thể các ngành nghề độc hại, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi… Sở sẽ tập hợp đề xuất với Bộ LĐTB-XH có ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đề nghị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người lao động làm việc an toàn, đúng quy trình, hạn chế TNLĐ và những hệ lụy đáng tiếc xảy ra. 

Quyết tâm giảm từ 20 - 30% các thủ tục về chứng nhận và kiểm định ATVSLĐ

Ghi nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp, tổ chức sản xuất tại các hội nghị đối thoại về ATVSLĐ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TBXH Hà Tất Thắng cho biết: Cục ATLĐ sẽ tập hợp tất cả những kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất Chính phủ có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, quyết tâm giảm từ 20 - 30% các thủ tục, điều kiện trong cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, kiểm định; nghiên cứu đề xuất xây dựng và ứng dụng phần mềm về cấp phép Giấy chứng nhận huấn luyện và phần mềm cơ sở dữ liệu ATVSLĐ phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và xã hội…

Nguyệt Hà

Tác giả: Cù Thị Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây