Gỡ vướng để ngành gỗ tăng tốc

Thứ năm - 04/07/2019 21:49
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang có nhiều cơ hội để tăng trưởng, tuy nhiên hiện nhóm ngành hàng này vẫn gặp một số “rào cản”, nhất là mặt bằng sản xuất có nguy cơ “kìm hãm” đà phát triển.​

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ vượt mốc 1,5 tỷ USD

Công ty CP sản xuất thương mại Minh Trí, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom là doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ nội thất. Các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp này bao gồm: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… Theo đại diện doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, việc xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp hết sức thuận lợi. Theo đó, mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 25 container (mỗi container có từ 400 - 500 sản phẩm) sang các thị trường nói trên. Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp này, dự kiến đến hết năm 2019, việc xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng. “Hiện chúng tôi đã có đủ đơn hàng sản xuất đến cuối năm. Giờ doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng”, Giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại Minh Trí Phạm Văn Sinh cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha) Phan Văn Bình cho biết, năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm thuận lợi đối với xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp. Hiện nay, dù mới đầu tháng 7-2019 nhưng nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã có đơn hàng đến hết năm. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp đều đã ký kết đơn hàng đến hết quý 3. Từ thực tế trên, ông Bình cho rằng, năm 2019, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh sẽ vượt mốc 1,5 tỷ USD. “Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của tỉnh đạt hơn 1,4 tỷ USD. Năm nay, chúng tôi dự kiến mức tăng trưởng là hơn 10%”, ông Bình phấn khởi cho hay.

 
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có nhiều thuận lợi trong năm 2019.

Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Đồng Nai ước đạt 559 triệu USD, chiếm hơn 7% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng gỗ và sản phẩm đồ gỗ Đồng Nai gồm: Hoa Kỳ (đạt kim ngạch 342 triệu USD); Hàn Quốc (74 triệu USD); Nhật Bản (gần 56 triệu USD)…

Theo dự báo của Sở Công Thương, thời gian tới, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng trưởng khả quan do có nhiều yếu tố thuận lợi như: thị trường sản phẩm gỗ và đồ gỗ nội thất trên thế giới còn nhiều dư địa cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, trong đó có Đồng Nai. Ngoài ra, hiện mặt hàng gỗ, nội thất chiếm tỷ trọng 16,7% trong gói các dòng sản phẩm từ Trung Quốc bị Hoa Kỳ tăng thuế. Do đó, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ đi tìm nguồn hàng khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra, từ ngày 1-6, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực. Cơ chế cấp phép mới sẽ góp phần làm tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, nhất là các thị trường có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp.

Mặt bằng sản xuất: đột phá phát triển ngành gỗ

Theo Dowooha, dù tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang có nhiều thuận lợi, tuy nhiên hiện các doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn trong quá trình sản xuất. Trong đó, vấn đề mặt bằng sản xuất đang là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp. “Do thuận lợi trong xuất khẩu, đơn hàng dồi dào nên các doanh nghiệp có nhu cầu lớn về mở rộng sản xuất, tuy nhiên hiện việc tìm mặt bằng đáp ứng nhu cầu này gặp nhiều khó khăn”, ông Phan Văn Bình chia sẻ.

Trước đó, vào năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đối với cụm công nghiệp (CCN) Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu với diện tích 75 ha là CCN chuyên dùng đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất đối với các doanh nghiệp gỗ. Tháng 3-2018, giai đoạn 1 của CCN này với quy mô gần 49 ha được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay do các vướng mắc về quá trình giải phóng mặt bằng và hạng mục thoát nước ngoài ranh CCN nên tiến độ thi công còn chậm trễ. Cụ thể, hiện giai đoạn 1 của CCN Thiện Tân vẫn còn khoảng 8 ha chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, do hệ thống thoát nước ngoài ranh CCN chưa được xây dựng nên việc thi công gặp khó khăn vì mặt bằng thường xuyên bị ngập nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thanh Lâm cho hay, đối với công tác giải phóng mặt bằng trong vòng 2 tháng tới, huyện Vĩnh Cửu sẽ bàn giao đầy đủ toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 cho chủ đầu tư thi công. Đối với hệ thống thoát nước ngoài ranh CCN Thiện Tân, hiện UBND tỉnh cũng đã ứng vốn và huyện Vĩnh Cửu đang tiến hành đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công để đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng CCN này.

Mới đây, tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và Dowooha, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng CCN Thiện Tân để giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất đối với các doanh nghiệp gỗ. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của tỉnh những năm qua đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tính theo giá trị sản xuất, hiện Đồng Nai là địa phương có kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lớn thứ 2 cả nước, chỉ đứng sau Bình Dương. Do đó, trước những cơ hội tăng trưởng đang có, cần nhanh chóng giải quyết vấn đề mặt bằng để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cũng lưu ý, ngoài CCN Thiện Tân, hiện trên địa bàn tỉnh cũng có 6 CCN khác có quy hoạch phục vụ cho nhóm doanh nghiệp sản xuất ngành gỗ, do đó phải thông báo rộng rãi để các doanh nghiệp biết và thuê mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ quảng bá sản phẩm cũng cần được đẩy mạnh để ngành gỗ phát triển bền vững.

Kiến nghị UBND tỉnh xem xét thành lập thêm CCN dành cho ngành gỗ

Theo Chủ tịch Dowooha Phan Văn Bình, hiện CCN Thiện Tân là CCN duy nhất chuyên dành cho ngành sản xuất gỗ và đồ gỗ, trong khi đó nhu cầu mặt bằng đối với các doanh nghiệp còn rất lớn. Do đó, Dowooha kiến nghị UBND tỉnh xem xét bố trí thêm địa điểm để thành lập thêm CCN dành cho ngành gỗ.

Quỳnh Nhi

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây