Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và các địa phương sẽ có nhiều biện pháp thực hiện phù hợp với thực tế trong tháng 9 về tháng cao điểm bảo đảm ATGT. Đây là thời điểm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Năm ATGT với mục tiêu tính mạng con người là trên hết.
Chống dịch tốt để đảm bảo ATGT
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, dù dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TNGT trên toàn quốc tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm 2020. Tại Đồng Nai, từ đầu năm đến cuối tháng 8-2021, toàn tỉnh xảy ra 132 vụ tai nạn làm chết 104 người và bị thương 58 người. So với cùng kỳ, giảm 47 vụ, giảm 26 người chết và giảm 40 người bị thương.
Tuy nhiên, qua đánh giá vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Nếu so với mức độ giảm của lưu lượng giao thông, con số TNGT giảm chưa tương xứng, TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra. Trong đó, vẫn còn một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT như lái xe khi trong người có rượu bia, tình trạng chống người thi hành công vụ, vi phạm tải trọng xe vẫn diễn ra tại một số địa phương; xuất hiện tình trạng đua xe trái phép và vi phạm về tốc độ do đường vắng; tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát Covid-19 của một số địa phương.
Nguyên nhân là do nhiều địa phương chuẩn bị phương án ứng phó Covid-19, áp dụng một cách đột ngột; các giải pháp, hướng dẫn trong vận tải và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 chưa thống nhất và chưa đầy đủ dẫn tới ùn tắc giao thông tại các điểm kiểm soát cửa ngõ. Các giải pháp kiểm soát dịch bệnh Covid -19 dẫn tới giảm lưu lượng giao thông trên đường, nhưng hành vi vi phạm tốc độ và phát sinh đua xe trái phép vẫn diễn ra. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.
Tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản về việc tăng cường thực hiện giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu UBND các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp tự giác chấp hành quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT và phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Ban chỉ đạo Ban ATGT tỉnh phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh công bố đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử tỉnh để tiếp nhận và xử lý các vấn đề về trật tự ATGT, ùn tắc giao thông cũng như các vấn đề gây ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trong điều kiện dịch bệnh xảy ra.
Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm trật tự ATGT đang triển khai như: hệ thống camera giám sát tải trọng phương tiện vận chuyển vật liệu tại mỏ vật liệu xây dựng, hệ thống camera giám sát giao thông tại 17 vị trí nút giao có tình hình giao thông phức tạp; hệ thống camera giám sát tại 45 cảng, bến thủy nội địa. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin mới nhằm hạn chế công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng nhưng vẫn bảo đảm tính hiệu quả đối với việc phát hiện và xử lý các vi phạm về giao thông trên địa bàn tỉnh.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, vừa bảo đảm trật tự ATGT vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả là yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Do vậy, trong tháng 9, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ tập trung yêu cầu các địa phương làm tốt công tác này.
Cụ thể, Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT các địa phương sẽ hướng dẫn đảm bảo ATGT tại các chốt kiểm dịch. Đôn đốc các lực lượng chức năng duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATGT; nhất là các hành vi trở nên phổ biến và có thể gây hậu quả lớn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như: vi phạm tốc độ, lấn làn, vượt xe sai quy tắc.
Theo ông Hùng, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, khó tổ chức các hoạt động tập trung đông người để tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông. Tuy nhiên, các hoạt động truyền thông về ATGT vẫn diễn ra theo các cách thức khác nhau.
Căn cứ vào tình hình thực tế, các Bộ, ngành sẽ có những hình thức tuyên truyền phù hợp, khuyến khích tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT bằng trực tuyến, online. Nội dung tuyên truyền tập trung hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi ngồi trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không.
“Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; văn hóa giao thông và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Từ đây, người dân sẽ hiểu, tuân thủ quy định và ủng hộ lực lượng chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm ATGT và phòng chống dịch Covid-19” - ông Hùng nói.
Lệ Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập