Các nhà thầu đoạn phía Tây cao tốc Bến Lức - Long Thành đang tập trung cao độ tăng tốc thi công, phấn đấu giữa năm 2018 thông xe kỹ thuật đoạn từ nút giao Tân Tạo (Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) đến nút giao cao tốc Trung Lương với chiều dài gần 20km.
Trong khi đó, đối với 3 gói thầu A5, A6, A7 trên địa bàn Đồng Nai, dù đã thực hiện lễ khởi công từ tháng 11-2017 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thi công được trên thực tế vì vướng mặt bằng.
Các gói thầu phía Tây tăng tốc về đích
Trên công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành những ngày đầu tháng 3, dù thời tiết nắng gay gắt do đang vào cao điểm mùa khô nhưng đây lại là điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Tại các gói thầu phía Tây J1, J2, J3 của dự án, thuộc phần vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đều đảm bảo kế hoạch đề ra, trong đó gói thầu J2 đã hoàn thiện thi công vào tháng 8-2017. Đến thời điểm này, từ nút giao Tân Tạo (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) đã có thể dễ dàng nhận thấy những trụ cầu cao hơn 100m mọc lên vững chãi và cây cầu dây văng Bình Khánh đang dần lộ hình hài.
Tại gói thầu A4 dài hơn 3km thuộc địa bàn huyện Nhà Bè - TP. Hồ Chí Minh (gồm cầu và đường), kết nối các gói thầu vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và JICA, tranh thủ thời tiết thuận lợi nhà thầu bố trí nhiều mũi thi công phần đường và nút giao. Trực tiếp chỉ đạo công tác thi công, ông Trần Văn Nhị, Giám đốc Ban điều hành gói thầu A4 cho biết, trong năm 2017, tiến độ thi công gặp nhiều trở ngại do vướng mặt bằng và thiếu hụt trầm trọng nguồn nguyên liệu như cát, đất đắp nhưng với nhiều giải pháp, nhà thầu đã khắc phục cơ bản những khó khăn. “Theo kế hoạch của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề ra, đến cuối tháng 6-2018 sẽ thông xe kỹ thuật các gói thầu phía Tây nên ngay sau Tết Nguyên đán chúng tôi đã triển khai 4 mũi thi công xà mũ trụ cầu và nút giao của đường. Hiện nay chúng tôi đang tập trung thi công hạng mục đúc dầm, dự kiến cuối tháng 4 tới cơ bản hoàn thành và tháng 5 bắt đầu lao lắp dầm, thi công phần mặt đường. Trong tháng 6 sẽ hoàn thành toàn bộ gói thầu”, ông Nhị nói.
Cầu Bình Khánh - một trong hai cầu dây văng lớn nhất cao tốc Bến Lức - Long Thành đang dần hình thành.
Tương tự, ở gói thầu A1 (kết nối với nút giao cao tốc Trung Lương), đại diện liên danh nhà thầu Vinaconex E&C và Halla Corporation cho biết, sau Tết Mậu Tuất, các đơn vị đã đồng loạt thi công trở lại. Tuy nhiên, trên tuyến vẫn còn vướng 3 vị trí do chưa bàn giao mặt bằng. Hiện tiến độ gói thầu này mới đạt 60% và tiến độ hoàn thành phụ thuộc vào công tác bàn giao mặt bằng của địa phương.
Trao đổi với phóng viên LĐĐN, ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) các đường cao tốc phía Nam cho biết: “Đến đầu tháng 3 này, giá trị xây lắp toàn dự án đã đạt gần 70% kế hoạch. Trong đó, đoạn sử dụng vốn ADB phía Tây gồm gói A1, A2-1, A2-2, A3, A4 chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu tập trung cao độ nhân, vật lực và tận dụng thời tiết thuận lợi trong mùa khô dồn sức thi công, phấn đấu giữa năm 2018 sẽ thông xe kỹ thuật nối từ nút giao Tân Tạo đến cao tốc Trung Lương”.
Phía Đông vẫn chậm tiến độ
Theo Ban QLDA các đường cao tốc phía Nam, đến đầu tháng 3 nhiều gói thầu ở khu vực phía Đông thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai vẫn vướng mặt bằng dẫn đến tình trạng máy móc phải nằm chờ gây lãng phí lớn. Hơn nữa tình trạng giao mặt bằng theo kiểu “da beo” nên việc thi công cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, ở huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) vẫn còn 42 hộ chưa bàn giao mặt bằng (trong tháng 1 và tháng 2 chỉ bàn giao được 2 hộ). Phạm vi còn vướng mặt bằng chủ yếu tập trung tại các nút giao QL1, Hương lộ 11 và QL50.
Riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, 3 gói thầu A5, A6, A7- là 3 gói thầu cuối cùng của dự án đã được khởi công từ tháng 11-2017 và dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian 35 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, hiện tiến độ trên công trường hầu như vẫn nằm yên do vướng mặt bằng. Cụ thể, tại huyện Nhơn Trạch có 2 gói thầu A5 và A6, đến nay vẫn còn gần 80 hộ dân chưa nhận tiền đền bù do người dân khiếu nại vị trí, giá bồi thường cũng như một số lô đất chưa xác định được chủ sở hữu khiến việc thu hồi đất gặp khó khăn. Tương tự, gói thầu A7 ở huyện Long Thành với 203 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng liên quan đến việc chờ xây dựng khu tái định cư để di chuyển chỗ ở. “Hiện Ban QLDA đã đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng. Ban QLDA cũng kiến nghị VEC báo cáo Bộ Giao thông- vận tải có văn bản gởi UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình chây ỳ; đồng thời tuyên truyền vận động các hộ khác sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đối với Đồng Nai, Ban QLDA kiến nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức vận động chi trả tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 3-2018. Phần vướng mặt bằng do chờ tái định cư ở huyện Long Thành, huyện cần sớm hoàn thành xây dựng tái định cư trong tháng 4 và song song đó đẩy mạnh việc chi trả bồi thường cho người dân”, ông Hùng kiến nghị.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng cộng 11 gói thầu với tổng chiều dài 57,1km, đi qua các tỉnh Long An: 2,7km (huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc); TP. Hồ Chí Minh: 26,4km (huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai: 28km (huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành). Khởi công vào tháng 7-2014, khi hoàn thành toàn tuyến, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp giao thông liên vùng phía Tây và phía Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TP. Hồ Chí Minh, nối trực tiếp với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép và với Sân bay quốc tế Long Thành.
Vương Thế
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập