Tính năng livestream trên MXH đang được người dùng MXH ngày càng ưa chuộng. Bên cạnh mặt tích cực là phản ảnh nhanh chóng hiện tượng, sự việc góp phần giúp cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời… thì mặt trái của loại hình này đang bộc phát qua việc nhiều người lợi dụng livestream để xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm... lẫn nhau để lại những hậu quả nặng nề.
Nhằm quản lý hoạt động này, mới đây, Bộ TT-TT đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream trên mạng xã hội (MXH) xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.
* Tăng cường rà soát phát hiện xử lý những vi phạm
Trong văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TT-TT đề nghị các cơ quan này chỉ đạo Sở TT-TT, Công an tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là MXH; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn.
Bộ TT-TT nhận định, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của MXH như: phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật. Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua cơ quan chức năng đã xử lý nhiều người dùng MXH YouTube, Facebook vi phạm, trong đó, có việc xử phạt các kênh YouTube: Hoàng Anh Timmy, Hưng Blog, Hưng troll, Thơ Nguyễn và xử lý các clip quảng cáo sai sự thật…Việc xử lý đã nhận được sự đồng tình của người dân, bà Chu Thị Lành (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) cho rằng, hiện nay khá bát nháo, chỉ cần vào Facebook là thấy livestream đủ loại. Không ít nội dung livestream xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm người khác với lời lẽ rất nặng nề. “Văn bản của Bộ TT-TT đã được ban hành kịp thời, kỳ vọng tới đây, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát và xử lý mạnh tay hơn nữa để những nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục không thể phát tán tràn lan, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến người xem” - bà Lành đề xuất.
* Xây dựng quy tắc ứng xử trên MXH
Ông Nguyễn Thành Phong (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) chia sẻ, những lúc rảnh ông hay lên MXH để giải trí. Thế nhưng, cứ vào Facebook là thấy livestream đủ loại. Nhiều livestream chỉ để quảng cáo, “câu like”, đánh bóng tên tuổi. Để tạo sự chú ý, nhiều chủ tài khoản không giữ chừng mực trong phát ngôn mà ngang nhiên nói tục, chửi bới, xúc phạm người khác… “Nếu cứ xem những livestream kiểu như trên thì người xem rất dễ bị ảnh hưởng, bắt chước, nhất là trẻ vị thành niên - chiếm phần lớn khán giả của những livestream loại này” - ông Phong nói.
“Bây giờ cái gì người ta cũng livestream hết, ngay cả những vấn đề tế nhị trong cuộc sống như: đánh ghen, khoe thân, chửi tục… cũng livestream. Ai thích gì quăng lên nấy, chẳng khác nào “vứt rác” bừa bãi ở không gian công cộng nhưng lại xem đó là điều bình thường” - ông Nguyễn Vũ Nhật Phan (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) phản ảnh. Theo ông Phan, nguyên nhân dẫn đến tình trạng livestream “bất chấp” nêu trên, một phần là do nhiều người dùng MXH đang nhìn nhận sai lệch về sự tự do ngôn luận. Trong khi tự do ngôn luận không đồng nghĩa với muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, hay tự cho mình quyền xúc phạm người khác, bất chấp vi phạm pháp luật.
Theo ông Phan, để hạn chế những tác động tiêu cực trên MXH rất cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nói chung và hoạt động livestream nói riêng. Vì dù là thế giới ảo nhưng MXH giống như nơi công cộng, nhiều người tham gia vì vậy nếu không tuân thủ theo một quy tắc nhất định rất dễ xảy ra những sự việc tiêu cực.
Bên cạnh đó, khi có những quy chuẩn nhất định thì người tham gia sẽ biết tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình sao cho phù hợp. Trước khi muốn truyền tải nội dung gì cũng phải cân nhắc để không vi phạm các quy chuẩn cho phép. Ngoài việc chịu trách nhiệm trước những nội dung mình truyền tải, người livestream phải lường những nguy cơ có thể phát sinh… để tiết chế phát ngôn cho phù hợp. Đồng thời, người tham gia MXH dựa vào quy tắc chung để có căn cứ đề xuất xử lý những livestream vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật.
Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, nhiều người còn đề xuất cần có những mức xử phạt cao hơn đối với những vi phạm trên không gian MXH mới đủ sức răn đe, giáo dục. Thêm vào đó, cần có sự tham gia của các công ty công nghệ để sàng lọc nội dung, gỡ ngay các clip, livestream có nội dung xấu, độc vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Nhật Huy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập