(CTT-Đồng Nai) - Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19-5-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP) giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 16) đã được triển khai đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương từ nhiều năm qua. Các chỉ đạo trong Nghị quyết số 16 đã được cấp ủy nhiều địa phương triển khai nghiêm túc, tạo chuyển biến về an ninh trật tự (ANTT).
Thời gian vừa qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác chỉ đạo góp phần vào công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng an ninh trật tự cơ sở ra quân tuyên truyền phòng ngừa tội phạm tại phường Tân Biên
Tạo chuyển biến về ANTT
Trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy (ngày 9-10) về kết quả thực hiện Nghị quyết số 16 tại huyện Xuân Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Xuân Lộc, Thượng tá Trịnh Anh Dũng cho biết, thực hiện các nội dung chỉ đạo của Nghị quyết số 16, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy chế phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn huyện, nhất là quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh PCTP đã được Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt.
Về công tác đấu tranh PCTP thời gian qua, Công an huyện Xuân Lộc đã phát hiện, triệt phá nhiều nhóm tội phạm. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 5-2020 đến 9-2024, về tội phạm hình sự, đã đấu tranh, xử lý hơn 500 vụ, bắt xử lý hơn 1,2 ngàn đối tượng. Trên lĩnh vực phòng chống ma túy, Công an huyện đã phát hiện gần 300 vụ, bắt xử lý 800 đối tượng. Đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng; tội phạm môi trường, đã có hàng trăm vụ được phát hiện, bắt xử lý nhiều đối tượng liên quan.
Tại địa bàn thành phố Long Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Công an thành phố Long Khánh, Thượng tá Vũ Văn Nhiệm cho biết, kể từ khi triển khai Nghị quyết số 16 đến nay, công tác đấu tranh PCTP trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến. Tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm hơn 19% so với thời kỳ chưa ban hành nghị quyết; công tác điều tra, khám phá các vụ án đạt các chỉ tiêu theo nghị quyết đề ra, qua đó góp phần làm chuyển biến tình hình ANTT tại địa phương.
Từ tháng 6-2020 đến 6-2024, trên địa bàn thành phố Long Khánh đã xảy ra hơn 390 vụ án, cơ quan công an đã điều tra làm rõ đạt từ gần 80% trở lên, bắt xử lý hơn 420 đối tượng. Thông qua hoạt động tuyên truyền, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an 271 nguồn tin, trong đó có 137 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra làm rõ 85 vụ, bắt 212 đối tượng.
Trước đó, trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy về kết quả thực hiện Nghị quyết số 16 tại thành phố Biên Hòa vào ngày
30-9, Ban Thường vụ Thành ủy Biên Hòa cho biết, đã triển khai sâu rộng Nghị quyết số 16 tại cấp ủy cơ sở để tăng cường trách nhiệm trong đấu tranh PCTP. Địa bàn nào để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc có cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và xử lý theo quy định pháp luật.
Từ tháng 5-2020 đến 9-2024, Công an thành phố Biên Hòa đã tiếp nhận điều tra gần 4,6 ngàn vụ phạm tội về trật tự xã hội; bước đầu đã điều tra làm rõ hơn 1,8 ngàn vụ; bắt và xử lý hơn 3,4 ngàn đối tượng. Ngoài ra, Công an thành phố Biên Hòa đã tiếp nhận hơn 7 ngàn tin báo tố giác; đã xác minh, giải quyết hơn 6,8 ngàn tin. Tổng số án thụ lý điều tra ở Biên Hòa trong 4 năm qua là 6.770 vụ, hơn 6 ngàn bị can; xét xử hàng chục ngàn vụ án hình sự, dân sự, hành chính...
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đóng vai trò quan trọng
Tại các buổi làm việc với các địa phương về kết quả thực hiện Nghị quyết số 16 mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lê Ngọc Minh nhấn mạnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong việc triển khai các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm đóng vai trò rất quan trọng. Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo mạnh thì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và có nhiều chuyển biến rõ nét.
Đồng chí Lê Ngọc Minh cho rằng, để thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải nhìn nhận, đánh giá thực chất việc triển khai Nghị quyết số 16 trên địa bàn, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm. Hàng năm, các cấp ủy cần phải có kiểm điểm, đánh giá về việc thực hiện nghị quyết để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Ngoài ra, đồng chí Lê Ngọc Minh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phải xem xét, kiểm tra lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; các hoạt động cấp phép đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện; quản lý vũ khí, vật liệu nổ.
Tác giả: Tùng Dương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập