UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 36/2009/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo trên địa bàn tỉnh. Sau 10 năm thực hiện, công tác quản lý nhà nước về pháo trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp; phạm vi, đối tượng quản lý được chặt chẽ hơn, do đó số vụ nhập lậu, vận chuyện, buôn bán, tàng trữ và đốt pháo đã giảm rõ rệt.
Những kết quả tích cực
Theo báo cáo tại hội nghị, trước đây khi chưa có Nghị định 36 của Chính phủ, việc quản lý sử dụng pháo trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Chỉ thị số 406/TTg ngày 8-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 05/CP ngày 11-1-1997 của Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán và đốt các loại pháo. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBT ngày 25-1-1997 về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do phạm vi, đối tượng chưa quy định chặt chẽ nên công tác quản lý pháo gặp nhiều khó khăn, số vụ nhập lậu, vận chuyển, buôn bán tàng trữ và đốt pháo còn xảy ra nhiều, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Quang cảnh tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.
Trước tình hình trên, ngày 15-4-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 36 về quản lý, sử dụng pháo. Tại Ðồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tăng cường thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 36 về việc quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo trên địa bàn. Cụ thể, hằng năm tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt chẽ số đối tượng, hộ gia đình, các doanh nghiệp có biểu hiện, khả năng, điều kiện sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép; những hộ và số thanh thiếu niên, đối tượng đã bị xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng pháo những năm trước đây cũng được quản lý chặt chẽ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý (Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh theo dõi chuyên đề này). Ðồng thời, chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sử dụng pháo trái phép. Ðặc biệt chú ý các nhà ga, bến xe, bến tàu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại… để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về pháo, nhất là trong các ngày nghỉ lễ, Tết Nguyên đán và các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong tỉnh.
Ðến nay, công tác quản lý, sử dụng pháo đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhất là việc quản lý, sử dụng pháo hoa, thuốc pháo hoa đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Trong 10 năm qua, tỉnh đã phát hiện, bắt giữ xử lý 120 vụ, 134 đối tượng vi phạm pháp luật về pháo. Trong đó, đã khởi tố 10 vụ với 14 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 110 vụ với 120 đối tượng, phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 260 triệu đồng; tịch thu trên 547kg pháo.
Kiên quyết xử lý pháo lậu
Theo Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Phòng PC 06, Công an tỉnh), trong 10 năm thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững, ổn định. Tuy nhiên, tỉnh Ðồng Nai vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng pháo. Ðặc điểm tình hình biên giới giữa Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia thông nhau bằng đường bộ, việc đi lại tương đối dễ dàng. Cho nên, các đối tượng lợi dụng sơ hở của các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ và kiểm tra khu vực biên giới, thông qua con đường du lịch, tham quan hoặc vượt biên trái phép tìm cách móc nối mua bán trái phép pháo vận chuyển vào Việt Nam.
Tang vật một vụ pháo lậu do Công an TP.Biên Hòa phát hiện.
Bên cạnh đó, việc mua bán pháo diễn ra công khai trên các trang mạng xã hội, như: Facebook, Zalo… Các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, địa chỉ giả để giao dịch và nhận hàng hóa qua đường vận chuyển như: xe khách, xe tải, tàu hỏa, chuyển phát của bưu chính… gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra, phát hiện, xử lý.
Riêng tại Ðồng Nai, trước áp lực về dân số (hiện toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp tập trung và nhiều cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 900.000 lao động trong nước và trên 6.000 lao động nước ngoài đến sinh sống, làm việc) thì công tác quản lý cư trú, dịch vụ văn hóa, giải trí cho người lao động trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu, có lúc, có nơi chưa thực hiện tốt để xảy ra sơ hở, thiếu sót. Vẫn còn tình trạng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng pháo. Ðáng chú ý, trong năm 2018, 2019, số vụ vi phạm liên quan đến pháo tăng đột biến, tình hình sử dụng pháo trong các ngày Tết Nguyên đán diễn ra công khai, phức tạp; tình trạng buôn bán pháo nhỏ lẻ (nhất là các tiệm tạp hóa) vẫn còn và việc đốt pháo trong đêm giao thừa vẫn còn xảy ra, chủ yếu là ở vùng nông thôn, khu vực giáp ranh các tỉnh lân cận.
Phát biểu tại hội nghị, đại tá Văn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, để công tác quản lý, sử dụng pháo được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, các địa phương và nhân dân. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo cho nhân dân nắm và thực hiện; yêu cầu các tổ chức, cá nhân cam kết không sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Ðối với lực lượng công an, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.
Ngoài ra, UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất Bộ Công an tham mưu đề xuất với Chính phủ trong việc chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp trong việc kiểm tra phát hiện, phong tỏa, ngăn chặn và xóa bỏ các trang web, các video có nội dung hướng dẫn chế tạo, mua bán, trao đổi pháo trái phép; tăng cường kiểm tra, quản lý giám sát hoạt động internet, mạng xã hội và các đơn vị bưu chính viễn thông, vận tải, không để các đối tượng lợi dụng nhằm hoạt động mua bán vận chuyển pháo trái phép. Ðồng thời, cần bổ sung quy định và tăng chế tài xử phạt các tổ chức, cá nhân lợi dụng các trang mạng xã hội đăng tải thông tin hướng dẫn chế tạo, mua bán, sử dụng pháo trái phép. Có như vậy mới đủ sức răn đe đối tượng phạm pháp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật
10 năm qua, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã tổ chức tuyền truyền rộng rãi các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo bằng nhiều hình thức khác nhau, như: đưa tin, bài phóng sự trên truyền thông, treo băng rôn, áp phích… Trong đó, tập trung đưa tin những vụ vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng pháo, qua đó chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Ngoài ra, tại các cuộc họp trong cụm dân cư đã lồng ghép tổ chức 5.230 buổi tuyên truyền với trên 692.000 lượt người tham dự… Qua đó, đã góp phần kiềm chế được hoạt động của các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Thành Nhân
Tác giả: Lê Thành Nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập