(CTT-Đồng Nai) - Nhằm giúp những người sau khi chấp hành xong án phạt tù có cơ hội làm lại cuộc đời, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng nhiều mô hình, thực hiện nhiều công tác hoạt động hiệu quả như: cho người ra tù được vay vốn làm ăn từ các nguồn quỹ khác nhau, tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề…

Một số gương tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng được vinh danh tại Chương trình sự kiện truyền thông về công tác tái hòa nhập cộng đồng khu vực phía Nam
Một số gương tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng được vinh danh tại Chương trình sự kiện truyền thông về công tác tái hòa nhập cộng đồng khu vực phía Nam
Thụ hưởng từ chính sách nhân văn
Mới đây, Bộ Công an tổ chức Chương trình sự kiện truyền thông về công tác tái hòa nhập cộng đồng khu vực phía Nam với chủ đề Ánh sáng và niềm tin tái hòa nhập cuộc sống. Đây là một trong những chương trình nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng và Đồng Nai được chọn làm nơi đăng cai tổ chức cho 35 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Chương trình đã ghi nhận, tôn vinh, biểu dương về những cách làm hay, sáng tạo; gương cá nhân, mô hình điển hình tiêu biểu trong công tác tái hòa nhập cộng đồng tại Đồng Nai. Sự kiện được đánh giá rất thành công và mang lại giá trị truyền thông tích cực, góp phần lan tỏa về tính nhân văn của công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Tại sự kiện, Bộ Công an đã biểu dương một số gương điển hình sử dụng vốn vay có hiệu quả từ nguồn Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự (ANTT) tỉnh. Đơn cử như ông Đoàn Việt Cường (ngụ P.Xuân Thanh, TP.Long Khánh) từng là người có quá khứ lỗi lầm, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của nguồn vốn vay đã vươn lên làm lại cuộc đời.
Ông Cường cho biết, sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương, ông bị thất nghiệp. Sau khi được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Doanh nhân với ANTT để làm ăn, ông đã mạnh dạn mở tiệm sửa xe và đã tạo việc làm, dạy nghề cho nhiều thanh niên khác trên địa bàn.
Mới đây, Công an tỉnh đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai hỗ trợ cho những người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống được vay vốn theo Quyết định 22 ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt Quyết định 22). Trong số đó có anh Nguyễn Thành Công (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) được vay số tiền 70 triệu đồng.
Anh Công cho biết, với một người mới chấp hành xong án phạt tù thì đây là số tiền giúp anh có cơ hội và tự tin hơn khi hoàn lương. Bằng số tiền này, anh Công sẽ mở tiệm sửa chữa điện thoại di động kiếm sống, nuôi bản thân và gia đình.
Tạo điều kiện cho người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng
Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Trần Anh Sơn cho hay, nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù có thể tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, Công an tỉnh đã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến công tác tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó chú trọng đến công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án phạt tù, góp phần ổn định tình hình ANTT địa phương.
Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp cùng Sở LĐ-TBXH tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ chuyên viên giúp việc trong công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng kế hoạch kiểm tra, nắm tình hình công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Đối với công tác tuyên truyền, Công an tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan truyền thông tuyên truyền về tái hòa nhập cộng đồng; định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân chấp hành xong án phạt tù; tăng cường hoạt động của Quỹ Doanh nhân với ANTT; biểu dương kịp thời các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong tái hòa nhập cộng đồng…
Trung tá Đinh Thị Ngọc, Phó trưởng Phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam B5 Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người chuẩn bị được tha tù về Quyết định 22. Qua các chính sách nhân văn này nhằm khích lệ, động viên phạm nhân yên tâm phấn đấu cải tạo tốt, sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, trước ngày 5 hàng tháng, đơn vị sẽ rà soát, lập danh sách số phạm nhân sắp hết án có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn để cung cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai; Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC10) Công an tỉnh xem xét, giải quyết.
Thượng tá Đỗ Khắc Hồng, Trưởng PC10 Công an tỉnh cho biết, sau khi Quyết định 22 có hiệu lực, PC10 đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho công an và các tổ chức xã hội tại địa phương nắm các nội dung về chính sách này. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương tập trung thực hiện việc tuyên truyền, rà soát, tổng hợp danh sách các đối tượng đủ điều kiện được vay vốn theo Quyết định 22.
Thời gian tới, PC10 sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức giao ban hàng tháng, quý, năm để kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; hàng tháng sẽ hướng dẫn, đôn đốc công an các địa phương lập danh sách những người có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để gửi về Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai lập hồ sơ xét duyệt. Sau khi cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, lực lượng công an sẽ thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra lộ trình sử dụng vốn, đảm bảo việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.