10 bông hoa thép huyền thoại của đồng bằng Bắc bộ

Thứ bảy - 27/08/2022 16:16
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Ông Phạm Hồng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP.Phủ Lý cho biết, kỷ niệm 56 năm Ngày hy sinh 10 cô gái Lam Hạ, UBND tỉnh Hà Nam sẽ tổ chức cắt băng khánh thành Tượng đài 10 cô gái Lam Hạ đúng vào dịp tái lập tỉnh Hà Nam tháng 10-2022. Đồng thời, công chiếu vở diễn “10 bông hoa thép” để tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh của những người con ưu tú của quê hương.
Đã 56 năm trôi qua kể từ tháng 10-1966, Đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ (Trung đội dân quân xã Lam Hạ, nay là P.Lam Hạ, TP.Phủ Lý, Hà Nam) vẫn thoảng hương thơm ngát, nhắc nhớ về nơi hy sinh anh dũng của 10 liệt nữ P.Lam Hạ- được ví như 10 cô gái hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) - biểu tượng thép của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập của Tổ quốc.

Người dân thăm quan trận địa Pháo phòng không Lam Hạ giai đoạn 1965-1972- di tích lịch sử quốc gia
Người dân thăm quan trận địa Pháo phòng không Lam Hạ giai đoạn 1965-1972- di tích lịch sử quốc gia

Được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Báo Hà Nam, chúng tôi đến dâng hương tri ân Đền tưởng niệm các liệt sĩ tỉnh Hà Nam và Đền thờ 10 nữ liệt sĩ P.Lam Hạ, TP.Phủ Lý

*Huyền thoại và kỳ tích…

10 cô gái Lam Hạ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa giống như huyền thoại lại vừa như kỳ tích đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam, những năm kháng chiến chống Mỹ, Lam Hạ là một trong những trọng điểm giao thông quan trọng trên tuyến đường huyết mạch từ hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch qua Phủ Lý cũng như cuộc sống của người dân khu vực này, ngày 5-8-1965, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập.

Đây là đại đội dân quân phòng không đầu tiên được thành lập trên miền Bắc sau đúng 1 năm Mỹ đưa quân gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần I (5-8-1964). Đại đội có 87 thành viên chia làm 2 trung đội (nam và nữ); trung đội nữ có 24 thành viên. Đại đội có nhiệm vụ: Sản xuất; huấn luyện pháo thủ chiến đấu, phục vụ chiến đấu; xây dựng các trận địa pháo phòng không trên địa bàn xã; vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật; tải thương, cứu chữa thương, bệnh binh…Chỉ một thời gian ngắn, các thôn Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm, Quỳnh Chân (Lam Hạ) đã có 8 trận địa pháo phòng không bảo vệ trọng điểm Phủ Lý…

Theo sự phân công khi bộ đội pháo chủ lực đóng quân làng nào thì dân quân làng đó đảm nhiệm nên trong các trận ác liệt, dân quân Lam Hạ sẵn sàng bổ sung lực lượng, hỗ trợ các trận địa phòng không và trực tiếp đánh trả không quân Mỹ. Sau nhiều lần thất bại trước khí phách anh hùng của dân quân Lam Hạ, đế quốc Mỹ đã tập kích vào các trận địa nhằm tiêu diệt lực lượng mà trọng tâm là trận địa pháo Đình Tràng.
Ngày 1-10-1966, ngay loạt bom bi và rốc két đầu tiên đã có 10 dân quân anh dũng ngã xuống trong đó có 6 nữ pháo thủ là các chị: Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Thanh Phương. Tiếp đó là các trận chiến đấu và cứu thương ở điểm lửa Đình Tràng- Đường Ấm đã có thêm 5 nam, nữ dân quân (3 nữ) gồm: Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Thị Oánh, Trần Thị Thẹp và gần 1 năm sau tại trận địa Hòa Lạc trong việc đánh trả máy bay Mỹ có thêm nữ dân quân Đặng Thị Chung hy sinh.

Sự hy sinh anh dũng của 10 nữ dân quân Lam Hạ trong giai đoạn chống trả chiến tranh phá hoại lần I của đế quốc Mỹ ra miền Bắc tiếp tục khẳng định tinh thần thép, biểu tượng cao đẹp của những “bông hoa thép”. Đồng thời là dấu son chói lọi, một địa chỉ đỏ, một huyền thoại kỳ tích trong hành trình của cuộc kháng chiến bảo vệ hậu phương miền Bắc và là niềm tự hào của quân- dân Hà Nam…

Đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ hiện nay
Đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ hiện nay

*Kế thừa và tri ân…

Ông Nguyễn Văn Kiên- cháu ruột của hai nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi tự hào nói: “Tôi hạnh phúc là được gắn bó với Lam Hạ- Đình Tràng; được biết mặt, thuộc tên những con người đã đi vào lịch sử của quê hương và dân tộc. Càng hạnh phúc hơn khi tôi trở về từ chiến tranh, sống đến ngày nay chứng kiến sự đổi thay của quê hương anh hùng”…

Không chỉ ông Kiên mà những người dân P.Lam Hạ đều tự hào trước sự đổi thay của quê hương cách mạng. Giới thiệu cho chúng tôi đại tá Bùi Văn Lưu, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Nam cho hay, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh thực hiện hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chính sách người có công. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ gắn với các hoạt động, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Phối hợp các cơ quan, ban, ngành chức năng giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương Phủ Lý, Hà Nam cho thế hệ trẻ và nhân dân.

“Khi Đền thờ liệt sĩ tỉnh được xây dựng cùng với Đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ ngay tại khu đất của trận địa pháo phòng không Đình Tràng cùng với việc khu Di tích Lam Hạ được công nhận di tích lịch sử quốc gia đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của các liệt sĩ Lam Hạ. Đây vừa là điểm nhấn tâm linh vừa là địa chỉ đỏ để cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh và nhân dân trong tỉnh viếng thăm, tri ân, thành kính với những người hy sinh vì độc lập của Tổ quốc”, đại tá Bùi Văn Lưu nhấn mạnh.

Tác giả: Kim Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây