Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” trên địa bàn tỉnh. Mô hình nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động của người dân về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức cuộc sống.
Mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 khu dân cư điểm
Ấp Vĩnh An là một ấp vùng sâu của xã La Nga, huyện Định Quán. Do có địa hình tiếp giáp với lòng hồ Trị An, nên phần lớn dân cư sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và sản xuất nông nghiệp.
Trước đây do ý thức BVMT của người dân còn kém, khu vực Đồi cá Vĩnh An thường xảy ra tình trạng người dân xả rác trên sông và ven lòng hồ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Năm 2017, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động, ấp Vĩnh An đã xây dựng mô hình “thu gom rác thải khu vực Đồi cá” nhằm trả lại môi trường trong sạch cho khu vực này. Để thực hiện, Ban công tác Mặt trận ấp Vĩnh An đã đến trực tiếp từng nhà dân vận động thực hiện và ký cam kết thực hiện “3 không” (không đổ rác thải bừa bãi; không phóng uế, vứt xác động vật chết ra môi trường xung quanh; không chặt phá cây xanh, thả rông súc vật). Theo lãnh đạo Ban công tác Mặt trận ấp Vĩnh An, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức BVMT của người dân trong ấp được nâng lên rõ rệt. Trước đây, theo thói quen, người dân thường vứt, đổ rác tùy tiện ra lòng hồ thì đến nay rác thải đã được các gia đình đổ vào thùng, tập kết đúng giờ nên thuận tiện cho xe đổ rác thu gom.
Một tuyến đường xanh - sạch - đẹp ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Dũng, qua hơn 1 năm triển khai xây dựng, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 749 mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Sự ra đời của các mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong việc BVMT. “Từ khi có mô hình tự quản, các việc làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh đã được hạn chế. Đường sá sạch đẹp hơn; vật nuôi được chăn thả nơi quy định; cây xanh, hoa cảnh được trồng nhiều hơn ở hai bên đường; các hộ dân có ý thức trong việc thu gom nước thải, chất thải sinh hoạt của gia đình mình để không gây ảnh hưởng đến người khác..”, ông Dũng cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc triển khai thực hiện mô hình tự quản về BVMT ở khu dân cư vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Đặc biệt là việc vận động các nguồn lực để duy trì các hoạt động của tổ tự quản. Ngoài ra, các thành viên tổ tự quản cũng chưa được trang bị đầy dủ các kiến thức cơ bản về công tác BVMT, nhất là trước ảnh hưởng ngày càng lớn của tình trạng BĐKH. “Trước thực tế đó, năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là đến cuối năm 2019, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 khu dân cư đảm bảo các điều kiện để xây dựng mô hình”, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Dũng, mục đích của kế hoạch là hướng đến xây dựng các mô hình cộng đồng dân cư thực hiện BVMT và ứng phó với BĐKH trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức cuộc sống ở các địa bàn dân cư. Từ những mô hình điểm sẽ nhân rộng ra ở tất cả các khu dân cư trong toàn tỉnh, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đặc biệt, chương trình cũng sẽ chú trọng việc phối hợp với các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo ở địa phương để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của mỗi cá nhân và cộng đồng dân cư trong công tác BVMT.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, để thực hiện xây dựng các mô hình điểm, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành khảo sát tình hình đời sống, phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt của khu dân cư. Đặc biệt là thực trạng ô nhiễm môi trường, những yêu cầu cần phải khắc phục, những thói quen, hành động mới cần xây dựng và thực hiện trong sản xuất, kinh doanh, tổ chức cuộc sống, sinh hoạt của mỗi gia đình và của cộng đồng dân cư... Từ đó, xác định điểm xuất phát và các tiêu chí đạt được của mô hình. “Các mô hình điểm sẽ tập trung vào vấn đề nào cấp thiết nhất cần giải quyết trước để xác định thời gian, lộ trình thực hiện hợp lý”, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
Những nội dung chính thực hiện mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”
- Nhân dân tự giác thực hiện hương ước, quy ước hoặc bản cam kết thực hiện BVMT và ứng phó với BĐKH ở khu dân cư: có trên 95% hộ gia đình ký và thực hiện cam kết BVMT và ứng phó với BĐKH trong sản xuất, kinh doanh và tổ chức cuộc sống hằng ngày; trên 90% hộ gia đình tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường của tổ dân phố, ấp, khu phố, ngõ; trên 90% hộ gia đình nộp đủ các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định.
- Bảo đảm vệ sinh, môi trường ở tất cả các tụ điểm công cộng và khu vực sinh hoạt chung của khu dân cư.
- Có các tổ chức tự quản và hoạt động tích cực, hiệu quả: có lịch hoạt động, có đánh giá, kiểm tra việc thực hiện các nội dung từ hộ gia đình đến khu dân cư; có tổ chức huy động các thành viên trong cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động BVMT ở khu dân cư.
- Có các hình thức, biện pháp thu gom, phân loại rác thải do cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện.
- Đường làng, ngõ xóm, ngõ phố phong quang, vệ sinh, sạch đẹp, trồng cây xanh ở những nơi công cộng.
- Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định từ 98% trở lên (từ 65% số hộ trở lên sử dụng nước sạch).
- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn…
Lê Văn
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập