Nhằm giữ vững vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội, Đài PT-TH Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều hình thức truyền tải thông tin. Qua đó giúp khán, thính giả tiếp cận thông tin ở mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Đồng thời, tăng tính trải nghiệm, tương tác của khán, thính giả với nhà báo, cơ quan báo chí.

Phóng viên Đài PT-TH Đồng Nai đạt nhiều giải cao tại các giải thưởng về báo chí
Phóng viên Đài PT-TH Đồng Nai đạt nhiều giải cao tại các giải thưởng về báo chí
Đầu tư trang thiết bị số hóa PT-TH
Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai Trần Nam Đông cho biết, ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27-12-2011 về việc số hóa truyền dẫn, phát sóng, Đài PT-TH Đồng Nai đã xây dựng quy hoạch phát triển PT-TH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm mục tiêu xây dựng đài trở nên chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ số, công nghệ truyền thông hiện đại.
Từ năm 2017 đến nay, Đài đã tập trung đẩy mạnh việc đầu tư trang thiết bị số hóa phát thanh, truyền hình, đảm bảo hiện đại, đồng bộ từ đội ngũ phóng viên, biên tập viên đến bộ phận hậu kỳ, lưu trữ, truyền dẫn phát sóng với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
Đài đang chuẩn bị kế hoạch và xin chủ trương của tỉnh để tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống quản trị tin, bài, nhuận bút… trong nội bộ, đảm bảo đến năm 2025 sẽ số hóa hoàn toàn tất cả các hoạt động báo chí của đài, từ quản trị, sản xuất chương trình đến truyền dẫn phát sóng.
Hiện nay, nội dung chương trình của đài đã được truyền dẫn phát sóng đến khắp mọi miền của đất nước thông qua truyền hình số vệ tinh, truyền hình Internet, truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình di động và trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook… Từ đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được lãnh đạo tỉnh giao.

Bên trong phòng truyền dẫn phát sóng Đài PT-TH Đồng Nai
Bên trong phòng truyền dẫn phát sóng Đài PT-TH Đồng Nai
Yếu tố con người là quan trọng nhất
Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai Trần Nam Đông cho rằng, để chuyển đổi số báo chí thành công, ngoài yếu tố kỹ thuật thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Chuyển đổi số báo chí trước tiên phải có sự đổi mới về tư duy, phong cách làm báo. Nhà báo thời đại công nghệ 4.0 phải năng động, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đổi mới cách thức làm việc để có thể cập nhật thông tin nhanh chóng, thể hiện tác phẩm “tươi mới”, tránh lối mòn nhàm chán. Đồng thời, phải biết sử dụng thành thạo các công cụ tác nghiệp số hóa, không lệ thuộc nhiều vào khâu kỹ thuật hậu kỳ.
Nhà báo Đặng Phước Toàn, Trưởng Phòng Kỹ thuật - Sản xuất chương trình Đài PT-TH Đồng Nai cho hay, trước đây khi làm chương trình thời sự trực tiếp, đài phải thuê cáp quang, điều xe màu mang theo cả ê kíp từ đạo diễn đến âm thanh, ánh sáng, phóng viên, quay phim… đến hiện trường để làm việc.
Hòa vào dòng chảy chuyển đổi số, phòng đang tham mưu cho Ban Giám đốc đài về giải pháp kỹ thuật đầu tư Dự án 2 studio thu thời sự trong năm 2023. Trong đó, tập trung vào công nghệ mới cho sản xuất chương trình thời sự trực tiếp, chất lượng cao, kết nối nền tảng Cloud - Native Ampp (điện toán đám mây) để truyền dẫn tín hiệu, thay thế quy trình sản xuất trực tiếp truyền thống hiện nay.
“Với cách làm này, chúng tôi không cần phải điều xe màu với đầy đủ ê kíp đến hiện trường như trước, chỉ cần phóng viên, quay phim đến hiện trường, còn đạo diễn, âm thanh, ánh sáng… sẽ ở đài, thông qua Cloud - Native Ampp để kết nối, phối hợp với phóng viên, quay phim thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường. Đến nay, gần như tất cả quy trình sản xuất, kiểm duyệt, hậu kỳ tại đài đã được số hóa. Phóng viên chỉ cần 1 chiếc laptop kết nối Internet là có thể sản xuất tin, bài, gửi về theo đường truyền để các bộ phận tại đài xử lý trước khi phát sóng. Qua đó, tăng độ “nóng” của tin tức, giảm bớt nhân lực, chi phí đầu tư” - nhà báo Phước Toàn nói.
Nhờ định hướng đúng, trúng của lãnh đạo Đài PT-TH Đồng Nai, đến nay, nhiều phóng viên, biên tập viên của Đài có thể tác nghiệp ở nhiều loại hình báo chí khác nhau và đạt được nhiều giải cao tại các giải báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Để hỗ trợ các cơ quan báo chí trong tỉnh thực hiện tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số báo chí, trong thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, tiếp tục tổ chức Giải báo chí Ngòi viết vàng, hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng những nhà báo, phóng viên có tác phẩm báo chí xuất sắc.