Tăng cường năng lực cơ quan quản lý chuyên ngành thú y

Thứ năm - 28/12/2023 15:34
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Sáng ngày 28-12, Sở NN-PTNT tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh; các giải pháp xử lý môi trường trong hoạt động chăn nuôi và tiến độ thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Thời gian qua, công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Về tổ chức bộ máy gồm: Chi cục Chăn nuôi - Thú y có 5 phòng chuyên môn; có 11 Trạm Chăn nuôi - Thú y cấp huyện và 3 trạm nghiệp vụ. Năng lực ngành thú y cũng từng bước được hoàn thiện, nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới như: Năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm; quản lý thuốc thú y và các dịch vụ thú y; năng lực chuẩn đoán, xét nghiệm thú y… Ngành Chăn nuôi-Thú y cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ; nhận dạng, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi tập trung vào các giải pháp về nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; các giải pháp xử lý chất thải như: chăn nuôi tiết kiệm nước, xuất phân bón hữu cơ; ứng dụng công nghệ, chế phẩm sinh học,…để xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả, tiết kiệm; đồng thời đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi đã được quan tâm. Đến nay, số cơ sở chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đạt hơn 91% đối với trang trại và gần 70% đối với nông hộ. Thực hiện quyết định di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đến nay, có 1.246 cơ sở đã di dời, ngưng chăn nuôi (đạt tỷ lệ gần 27% so với lộ trình đến cuối năm 2023 và đạt hơn 41% so với lộ trình đến cuối năm 2024).

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trần Lâm Sinh, Đồng Nai là tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước trong công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh khi đến nay có 657 trại được công nhận an toàn dịch bệnh; tiếp tục duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện với bệnh Cúm gia cầm và Newcaste và tái thẩm định 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thịt, trứng gà. Đồng Nai cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước xây dựng được chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu. Ngành Chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng quy mô lớn, tập trung, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn,... giúp người chăn nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao năng suất lao động, kiểm soát tốt môi trường và sức khỏe vật nuôi.
Đại biểu góp ý cho Ngành chăn nuôi-thú y tại hội nghị.
Đại biểu góp ý cho Ngành chăn nuôi-thú y tại hội nghị.

Tác giả: Song Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây