(CTT-Đồng Nai) Theo Sở NN-PTNT, đến nay toàn tỉnh có 6 mô hình được chứng nhận sản xuất hữu cơ với quy mô 12,2 ha. Ngoài ra, tỉnh đang phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm triển khai xây dựng 3 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.

Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Long Khánh
Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Long Khánh
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ, các địa phương đang triển khai thực hiện 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô hơn 1,4 ngàn ha cây trồng 23,7 ngàn vật nuôi. Dự kiến cuối năm 2023 có thêm 17,8 ha hồ tiêu và 4,5 ha sầu riêng đạt chứng nhận hữu cơ.
Việc ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất trồng trọt được nông dân quan tâm. Đến nay đã ứng dụng cho khoảng 703,5 ha cây ăn quả, rau màu, tăng 463,5 ha so năm 2021, trong đó tiêu biểu như huyện Vĩnh Cửu (323 ha), Định Quán (200 ha), Cẩm Mỹ (120ha), Trảng Bom (26 ha), Xuân Lộc (20,7ha), Thống Nhất (14 ha).
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Nai duy trì khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng phòng lạnh, chuồng kín; 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn.
Hàng năm có khoảng 45% tổng đàn heo, 31% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc; 150 trang trại và 7 tổ hợp tác chăn nuôi được chứng nhận VietGAP với sản lượng khoảng 110 ngàn tấn thịt heo và 55 ngàn tấn thịt gà/năm. Tỉnh cũng duy trì 7 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, đồng thời phối hợp với Cục Thú y khảo sát và xây dựng 3 vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn OIE phục vụ xuất khẩu.