Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là vốn cho các công trình trọng điểm; chủ động xây dựng các giải pháp phòng, chống xâm nhiễm bệnh tả heo châu Phi... là những nhiệm vụ chủ yếu được lãnh đạo tỉnh đặc biệt lưu ý đến các sở, ngành và địa phương tại hội nghị giao ban tình hình kinh tế - xã hội tháng 8-2018 vừa diễn ra.
Xử lý tình trạng“tiền chờ công trình”
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH- ĐT), kinh tế - xã hội của tỉnh trong 8 tháng đầu năm có mức tăng trưởng tốt, đặc biệt là trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Giám đốc Sở KH- ĐT Hồ Văn Hà cho biết, do các doanh nghiệp có hợp đồng sản xuất ổn định từ đầu năm nên duy trì được mức tăng trưởng khá. Từ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 của tỉnh tăng 2,06% so với tháng trước. Lũy kế trong 8 tháng, IIP tăng hơn 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành hàng tăng khá so với cùng kỳ như: dệt tăng gần 17%; sản xuất sản phẩm điện tử tăng gần 15%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng gần 12%.
Về xuất khẩu, Giám đốc Sở Công Thương Dương Minh Dũng cho biết, trong tháng 8, xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng trước. Lũy kế trong 8 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 12 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng yêu cầu của những đơn hàng lớn. Đồng thời các doanh nghiệp cũng tìm thêm nhiều đối tác để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu tăng cũng đến từ việc giá xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tăng như: giày dép tăng hơn 10%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng hơn 18%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng gần 16%...
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái phát biểu tại hội nghị.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa nhiều nên trong tháng 8, diện tích một số loại cây ngắn ngày giảm. Tuy nhiên, diện tích cây lâu năm lại tăng do năng suất và giá bán khá ổn định, người dân mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi và thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá do giá bán các sản phẩm giữ ở mức cao.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội thu được những kết quả tích cực; chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện đồng bộ; an ninh trật tự cơ bản được giữ vững; lĩnh vực tư pháp, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, ngành, địa phương chú trọng triển khai.
Tuy nhiên, bên cạnh những “gam màu sáng”, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những hạn chế, nhất là tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư. Theo đó, trong 8 tháng qua, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do cấp tỉnh quản lý mới chỉ đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tương đương 47% kế hoạch năm. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do cấp huyện quản lý đạt hơn 1.900 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch.
Đặc biệt, tiến độ giải ngân đối với một số công trình trọng điểm hiện đang rất chậm. Đơn cử như dự án tuyến đường kết nối vào cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch (đoạn từ đường 319 đến nút giao cắt với đường cao tốc Bến Lức- Long Thành) được bố trí vốn trong năm 2018 là 70 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, do việc thi công dự án vẫn đang “dậm chân tại chỗ” nên chưa thể giải ngân nguồn vốn.
Tương tự, dự án xây dựng mới Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai được bố trí vốn thực hiện trong năm 2018 là 40 tỷ đồng đến nay cũng chỉ mới giải ngân được hơn 2,8 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn, tiến độ thực hiện các dự án chậm dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn cũng bị chậm, đòi hỏi việc điều hành thời gian tới cần bám sát với thực tế hơn. Bởi, nếu cứ để tình trạng “tiền chờ công trình” như hiện nay thì hiệu quả sử dụng vốn sẽ không cao.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã yêu cầu Sở KH - ĐT cùng các sở, ngành và địa phương trong tháng 9 phải tiến hành rà soát về khả năng thực hiện các dự án để có giải pháp xử lý. “Khi rà soát phải dự báo chính xác khả năng thực hiện của các dự án. Từ đó, sẽ tính đến phương án lấy vốn từ những dự án khó có khả năng thực hiện để bố trí cho các dự án có khả năng thực hiện cao”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Xem xét các nội dung trình kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa IX
Tại hội nghị, các thành viên của UBND tỉnh đã báo cáo 8 nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh (kỳ họp bất thường) sẽ diễn ra trong thời gian tới. Trong đó có đề án công nhận khu vực thị trấn Long Thành mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV; đề án thành lập 6 phường của TP. Biên Hòa trên cơ sở giữ nguyên diện tích, dân số; đề án thành lập thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch); đề án điều chỉnh địa giới hành chính 3 xã của huyện Thống Nhất và thành lập thị trấn Dầu Giây; đề án thành lập 5 xã của TX. Long Khánh và thành lập TP. Long Khánh... Hội nghị cũng đã thống nhất lùi việc trình đề án thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ do chưa hoàn tất các thủ tục liên quan.
Chủ động đối phó với bệnh dịch tả heo châu Phi
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Huỳnh Thành Vinh, trong 4 tháng trở lại đây, giá heo, gà liên tục tăng nên tổng đàn 2 loại vật nuôi này cũng đang tăng “nóng”. Trong đó, riêng đàn heo, 4 tháng quá đã tăng thêm khoảng 400.000 con. Đáng chú ý, tổng đàn tăng nhiều ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chính vì vậy theo ông Vinh, điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn với người chăn nuôi. Bởi, giá heo hiện đang tăng nhưng lại không bền vững, nếu cứ ồ ạt tăng đàn sẽ dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu như đã từng xảy ra, lúc đó người nuôi sẽ lại bị thiệt hại nặng nề. Chính vì vậy, Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương cùng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đến người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt thời điểm này.
Ngoài ra, theo Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh, một thách thức nữa hiện đang đe dọa rất lớn đến người nuôi heo là nguy cơ xâm nhiễm của bệnh dịch tả heo châu Phi. Theo đó, hiện bệnh này đang bùng phát mạnh tại Trung Quốc nên cũng có nguy cơ sẽ xâm nhiễm vào Việt Nam. Do chưa có vắc xin đặc hiệu cũng như khả năng gây chết lên đến gần 100% đối với heo nhiễm bệnh nên nếu bị xâm nhiễm, ngành chăn nuôi heo sẽ chịu thiệt hại lớn.
Trước mối “đe dọa” của bệnh dịch tả heo châu Phi, mới đây, Chi cục Chăn nuôi - thú y cùng Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã tổ chức hội thảo thông tin về dịch bệnh này đến người chăn nuôi. Do chưa có vắc xin đặc hiệu điều trị nên giải pháp hiện nay vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động phòng tránh. Ngoài ra, Sở cũng đã thông tin đến người dân cần chú trọng chăm sóc tốt đàn heo để tăng sức đề kháng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, hiện Trung ương cũng đang triển khai các biện pháp phòng ngừa xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định chắc chắn bệnh sẽ không xâm nhiễm vào nước ta, do đó, về phía địa phương, ngành nông nghiệp cần có nghiên cứu, nắm bắt thông tin, đưa ra các tình huống xử lý để đảm bảo hoạt động chăn nuôi heo. Bởi đây là bệnh gây chết với tỷ lệ gần 100% với heo nhiễm nên nếu xảy ra thiệt hại sẽ rất lớn.
Kiểm tra việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do mưa trái mùa
Liên quan đến việc chi trả không đầy đủ tiền hỗ trợ cho người dân trồng điều và xoài bị ảnh hưởng bởi mưa trái mùa xảy ra vừa qua tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Chủ tịch UBND Đinh Quốc Thái yêu cầu các địa phương có người dân được nhận hỗ trợ nhanh chóng kiểm tra việc thực hiện chi trả tiền. Theo đó, đầu tiên là kiểm tra việc có thực hiện đúng quy định cho người dân trực tiếp nhận tiền tại ngân hàng hay không. Đối với các địa phương chuyển tiền về xã để chi trả cho người dân thì kiểm tra ngay việc thực hiện chi trả, tránh lặp lại những vụ việc như tại xã Thanh Sơn.
Lê Văn
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập