Phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em: Phải bắt đầu từ người lớn

Thứ hai - 22/01/2024 20:52
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm trên cả nước có khoảng 3 ngàn thanh, thiếu niên tử vong do TNGT, trong đó có không ít là học sinh, sinh viên. Riêng tại Đồng Nai, trong năm 2023, toàn tỉnh có hơn 1 ngàn trường hợp trẻ bị TNTT, trong đó có gần 40% trẻ bị TNGT khiến học sinh tử vong thương tâm trên đường đi học hoặc từ trường về nhà.
(CTT - Đồng Nai) - Tai nạn thương tích (TNTT) là điều không ai mong muốn, bởi nó là nỗi đau, sự mất mát lớn, đây cũng là nguyên nhân của nhiều hệ lụy to lớn về sức khỏe thể chất, tinh thần, thậm chí cả tính mạng của trẻ. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn, phòng tránh TNTT cho trẻ phải bắt đầu từ người lớn.

Nỗi đau từ tai nạn thương tích
Thời gian vừa qua, nhiều vụ TNTT ở trẻ em đã để lại nỗi đau không chỉ cho gia đình mà còn là nỗi đau cho xã hội khi trẻ bị cướp đi sự sống khi tuổi đời mới ở lứa tuổi thiếu nhi. Trưa 11-9-2023, em H (6 tuổi, H.Vĩnh Cửu) được mẹ chở bằng xe máy từ trường về nhà đã bị xe tải chở rác lưu thông trên đường tỉnh 768 tông tử vong. Trước đó, trưa 8-2-2023, em C (TP.Biên Hòa) bị xe đưa rước học sinh cán tử vong do tài xế thiếu quan sát khi quay đầu xe.
Cơ quan chức năng xác định, 2 vụ TNGT gây chết 2 trẻ xảy ra trên do tài xế bất cẩn, thiếu quan sát, điều khiển xe không đảm bảo an toàn giao thông dẫn tới sự cố thương tâm cho 2 học sinh tiểu học.
Nếu trước đây khoa tiếp nhận những ca TNTT chủ yếu là té ngã trong sinh hoạt thì nay phần lớn ca phải điều trị dài ngày đều liên quan đến TNGT. Là người nhiều năm tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, BS CKII. Phạm Văn Khương, Phụ trách Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng cho hay, cứ vào 3 tháng hè và 1 tháng sau khi năm học mới bắt đầu (tầm tháng 10 hàng năm) thì số ca TNTT phải vào bệnh viện rất nhiều, phần lớn là TNGT.
Đơn cử vào đầu tháng 8-2023, trong lúc đang chơi ở khu vực gần nhà thì em N (13 tuổi, ngụ H.Long Thành) bị xe chở rác chạy ẩu đụng phải dẫn đến gãy xương đùi trái. Điều đáng nói là ngoài phần xương đùi bị gãy lớn thì phần cơ trên toàn bộ đùi trái của em bị nát dẫn đến nhiễm trùng tái đi tái lại, nguy cơ hoại tử cao, điều trị rất khó khăn.

Học sinh bị tai nạn thương tích điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai
Học sinh bị tai nạn thương tích điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai

Theo BS. Khương, hiện mỗi tuần khoa thực hiện mổ cấp cứu cho từ 15-25 bệnh nhân bị các thương tổn do TNGT. Trong số những ca bị TNGT cấp cứu tại bệnh viện có không ít ca bị chấn thương sọ não rất nặng, có em phải sống đời thực vật hoặc không qua khỏi hoặc chấn thương tay, chân rất nặng.
Theo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, TNTT ở trẻ em rất đa dạng. Ngoài TNGT còn có tai nạn rủi ro trong sinh hoạt như: té ngã từ trên cao, ngộ độc thuốc và hóa chất, bị động vật cắn, hóc dị vật, bỏng nước sôi hay đuối nước... Thậm chí có những ca bị tổn thương nặng do điều trị bằng bài thuốc dân gian, phản khoa học, khiến bệnh tình của trẻ ngày càng nặng hơn.
Đơn cử như bệnh nhânL (13 tuổi, ngụ H.Vĩnh Cửu) trong lúc chơi đùa, chân của em đã bị đạp vào vật nhọn. Thay vì đến cơ sở y tế để được làm sạch và băng bó vết thương, em L. lại được mẹ đưa đến một thầy lang dùng thuốc lá đắp khiến bàn chân em bị phù nề, tím đen. Nếu không được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể bị tháo khớp bàn chân.

Phòng chống TNTT cho trẻ em
Theo nhận định từ các cơ quan chức năng, nguy cơ TNTT nói chung và TNGT nói riêng cho học sinh vẫn rình rập trên các quốc lộ, đường tỉnh hoặc tại những giao lộ lớn với lượng xe ô tô đông đúc và ngay cả trong những sinh hoạt đời sống trong gia đình, học đường.
Một vấn đề đặc biệt quan tâm của ngành chức năng hiện nay là TNGT tại một số giao lộ từng ghi nhận TNGT xảy ra với học sinh trong năm 2023 như: nút giao quốc lộ 1 - đường Võ Nguyên Giáp (H.Trảng Bom), vòng xoay Cổng 11 (TP.Biên Hòa), ngã ba Cầu Trắng trên quốc lộ 20 (H.Định Quán)… Bên cạnh các nguyên nhân khách quan do hạ tầng giao thông, do phương tiện khác chạy ẩu thì còn có nguyên nhân chủ quan do không ít học sinh bậc THCS, THPT đi xe máy, xe đạp điện đến trường nhưng không tuân thủ quy định pháp luật về an toàn giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái, điều khiển xe dàn hàng 2, vượt không đúng quy định…
TNTT không chỉ để lại những di chứng trên thân thể của trẻ mà còn ảnh hưởng về tinh thần rất lớn. Chưa kể có những trường hợp phải điều trị dài ngay rất vất vả, tốn kém, phải gián đoạn việc học hành. Đau đớn hơn có học sinh phải ra đi đột ngột, để lại nỗi đau khôn nguôi cho người thân, gia đình. Do đó, công tác phòng ngừa TNTT cho học sinh trong mùa tựu trường cần được các ngành, các cấp, gia đình, nhà trường quan tâm hơn nữa.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng chống TNTT và phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TBXH thường xuyên chủ trì phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của các gia đình, cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi TNTT, đặc biệt là TNGT và đuối nước.Ngoài thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống TNTT, đuối nước trẻ em tại các huyện, Sở cũng đề nghị 11 huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát các ao, hồ, sông, suối, bãi tắm các khu vực nước sâu, công trình chứa nước trên địa bàn các huyện để có cảnh báo kịp thời, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Để phòng tránh TNTT cho trẻ, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trẻ em thường thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng và chưa lường hết được những nguy hiểm xung quanh. Ngoài ra, nhiều trẻ em có tính cách hiếu động, nghịch ngợm cũng dễ bị các TNTT. Do đó, gia đình và nhà trường nên hướng dẫn, giúp các em biết đánh giá tình huống nguy hiểm để phòng, tránh. Đặc biệt là cha mẹ và những người lớn trong nhà phải có kiến thức phòng tránh TNTT và giúp các em tránh được TNTT.

Tác giả: Hạ Di

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây