Theo ghi nhận về tình hình ung thư của các cơ quan chức năng, năm 2018, toàn quốc có khoảng 4,2 ngàn ca mắc mới ung thư cổ tử cung. Trong đó có hơn 2,4 ngàn trường hợp tử vong.

Khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ tại bệnh viện
Khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ tại bệnh viện
Các bác sĩ cho biết, ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí, thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư cổ tử cung gồm: nhiễm virus HPV; ức chế miễn dịch; sinh con quá sớm khi cơ quan sinh sản chưa hoàn thiện; phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (từ 3 lần trở lên) có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với phụ nữ sinh từ 1-2 con; quan hệ tình dục bừa bãi…
BS Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, chị em phụ nữ nếu có một trong số những dấu hiệu sau cần lưu ý để đi khám, sàng lọc, phát hiện, điều trị sớm bệnh ung thư cổ tử cung. Đó là: ra máu âm đạo bất thường; ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục; ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu; đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu; đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng; kinh nguyệt kéo dài, không đều; mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân.
Tại Việt Nam, bệnh ung thư cổ tử cung đang được điều trị theo các phương pháp hiện đại và hiệu quả như: phương pháp phẫu thuật triệt căn, hóa xạ trị triệt căn, hóa xạ trị kết hợp phẫu thuật. Tùy vào giai đoạn của bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Phẫu thuật là phương pháp phổ biến đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, thường có thể là phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt tử cung toàn bộ, cắt tử cung triệt căn, vét hạch bằng mổ nội soi hoặc mổ mở.

Nhiều phụ nữ ngồi chờ đến lượt khám sàng lọc ung thư cổ tử cung
Nhiều phụ nữ ngồi chờ đến lượt khám sàng lọc ung thư cổ tử cung
Để phòng ngừa bệnh, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung. Đặc biệt, tiêm vaccine phòng HPV cho nữ giới từ 9-26 tuổi là cách phòng tránh và phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung sớm nhất.