(CTT - Đồng Nai) - Quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) là một trong những hành vi nguy cơ cao về lây nhiễm HIV. Nhiều người vẫn biết hành vi này là nguy hiểm nhưng vẫn không có biện pháp phòng ngừa, khiến cho việc ngăn ngừa lây lan HIV trong cộng đồng trở nên khó khăn hơn.
Nhóm nguy cơ nhiễm HIV cao
Với sự cởi mở của xã hội, nhiều người đồng giới đã công khai yêu nhau. Trong quá trình quen biết, họ cũng quan hệ tình dục với bạn tình mà thiếu sự bảo vệ nên tạo ra hành vi nguy cơ cao về lây nhiễm HIV.
Một ngày cuối tháng 11-2023, Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) có khá nhiều người đến tư vấn, xét nghiệm và đăng ký điều trị dự phòng HIV/AIDS. Có người đi một mình, có người đi với người thân, song ai cũng thấp thoáng sự hoang mang, lo lắng. Trong số đó có anh D. (20 tuổi, ngụ H.Trảng Bom) đi cùng người thân đến phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS để làm thủ tục đăng ký điều trị HIV.
Trong câu chuyện trao đổi với bác sĩ, anh D. cho biết, anh là sinh viên năm thứ 2 tại một trường đại học ở TP.HCM. Do gia đình khó khăn nên anh đã đồng ý dọn về ở chung với một bạn nam cùng trường để đỡ tốn tiền thuê phòng trọ. Đến khi thấy D. xuất hiện một số triệu chứng đặc thù của bệnh AIDS như: sụt cân, tiêu chảy, nấm lưỡi thì đi xét nghiệm, kết quả là dương tính với HIV.
Gần 10 năm làm việc tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), nhân viên tư vấn xét nghiệm HIV Đào Thị Lệ cho biết, chưa bao giờ số người nhiễm HIV lại trẻ hóa như hiện nay. Các ca bệnh từ 15-25 tuổi chiếm tỷ lệ cao và hầu hết đều lây qua đường quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM).

Người nhiễm HIV đến Khoa phòng chống HIV/AIDS tư vấn điều trị thuốc ARV
Người nhiễm HIV đến Khoa phòng chống HIV/AIDS tư vấn điều trị thuốc ARV
Ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm HIV
Tình trạng gia tăng các ca nhiễm HIV trẻ và tập trung nhiều ở đối tượng quan hệ tình dục đồng giới khiến việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng trở nên khó khăn hơn và để lại nhiều hệ lụy hơn. Bởi đây là những người trẻ trong độ tuổi sinh đẻ và tuổi lao động, điều này ảnh hưởng đến chất lượng dân số, thị trường lao động và thời gian cũng như chất lượng lao động. Bên cạnh đó, nhiều người trẻ nhiễm HIV mang tâm lý bi quan, phó mặc là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao, trở thành gánh nặng bệnh tật cho gia đình, cộng đồng.
BS CKI Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, để ngăn ngừa lây nhiễm mới trong nhóm đồng giới nam và giới công nhân, ngành Y tế Đồng Nai đã phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy dự phòng HIV/AIDS trong khu công nghiệp, vận động các nhà máy tạo dựng không gian an toàn cho công nhân lao động.
Tuy nhiên, để triển khai các hoạt động thực tế thì vẫn đang gặp khó khăn. Lý do là sau đại dịch Covid-19, lượng khách hàng của các công ty giảm sút, việc làm ít nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với các hoạt động này. Đây là khó khăn chung cho công tác xã hội của các doanh nghiệp khi muốn triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân. Ngoài ra, việc tiếp cận với nhóm đối tượng MSM cũng khó khăn hơn vì đây là vấn đề tế nhị và nhạy cảm.
Khi có hành vi quan hệ tình dục không an toàn hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lây nhiễm HIV, cần đến các cơ sở y tế, phòng khám để được tư vấn, làm xét nghiệm và điều trị kịp thời” - BS Quang khuyến cáo.