Tại các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn trong chương trình kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu đã tập trung phân tích, đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến các vấn đề “nóng” trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có việc quản lý đất đai, hiệu quả các chương trình khuyến công, nợ bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm...
“Nóng” phân lô, bán nền trái phép
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu quan tâm phản ánh việc quản lý đất đai của một số địa phương thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền của các chủ đầu tư, công ty môi giới chào bán nhưng việc đầu tư xây dựng hạ tầng dự án và các thủ tục pháp lý chưa được hoàn chỉnh theo quy định pháp luật. Mặt khác, dân số cơ học đang tăng nhanh cùng với việc thu hút đông lao động nhập cư đến sinh sống trong khi giá đất bị đẩy lên cao khiến nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là lao động thu nhập thấp khó được đảm bảo.
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Đặng Minh Đức cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong đó thời gian qua nhiều dự án lớn của Trung ương và địa phương như Sân bay quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông, khu dân cư được triển khai trên địa bàn kéo theo lợi thế giá đất và nhu cầu đầu tư vùng xung quanh dự án tăng cao. Mặt khác, mỗi địa phương trong quy hoạch sử dụng đất thường đề nghị quy hoạch đất ở nông thôn dọc theo các tuyến đường giao thông, xác định nhu cầu đất ở nhưng lại không quy định rõ đất ở đó là dự án hay không có dự án. Từ đất nông nghiệp sau khi đưa vào quy hoạch là điều kiện để nhà đầu tư chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở để phân lô, bán nền. Bên cạnh đó, quy định tách thửa của tỉnh trước đây cũng có nhiều kẽ hở, trong khi tình trạng lập vi bằng thay vì thông qua hệ thống nhà nước để xác lập thủ tục chuyển nhượng đất đai lại diễn ra phổ biến.
Giám đốc Sở TN-MT Ðặng Minh Ðức phát biểu thảo luận tại tổ.
Liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức nhấn mạnh, Luật Đất đai quy định rõ Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý, đề nghị xử lý đối với các trường hợp chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép. Tuy nhiên, hiện vai trò quản lý của chính quyền địa phương vẫn còn rất mờ nhạt. Giám đốc Sở TN-MT dẫn chứng trường hợp một xã ở huyện Long Thành có chủ đầu tư đến tổ chức sự kiện, dựng rạp, cắm biển tư vấn, rao bán đất song chính quyền địa phương lại không biết. Một số địa phương không giải quyết thủ tục đất đai cho các dự án phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp nhưng lại cho phép kéo điện, nước, làm đường và kết nối hạ tầng. “Mặc dù tình trạng phân lô bán nền được người dân, báo chí phản ánh và được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhưng thời gian qua Sở TN-MT chưa nhận được bất cứ một văn bản, báo cáo về việc có tình trạng phân lô, bán nền trái phép của Phòng TN-MT các địa phương. Điều đó cho thấy, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề này chưa được đề cao”, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức nói.
Bên cạnh tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, công bố quy hoạch cụ thể để người dân được biết, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên lĩnh vực này, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Sở đang phối hợp tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm. Đặc biệt đã lập tổ công tác làm việc với 5 địa phương “nóng” tình trạng này để rà soát và tiến hành phân loại, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý từng trường hợp cụ thể.
Tập trung kéo giảm nợ bảo hiểm xã hội
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Bình (Giám đốc Sở Tài chính), tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn là rất đáng báo động. Theo giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn ở mức cao với số tiền 605,6 tỷ đồng (chiếm 3,14% trên tổng số phải thu). Đặc biệt, có 169 doanh nghiệp đã phá sản, ngưng hoạt động nợ 52,4 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng nhiều đến quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an ninh trật tự. Đại biểu Huỳnh Thanh Bình dẫn chứng trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại khoản nợ BHXH buộc tỉnh phải chi ngân sách để khắc phục như thời gian qua cần phải có giải pháp giải quyết căn cơ. Bởi việc chi ngân sách trong những trường hợp như trên là chưa đúng quy định, bị Bộ Tài chính “tuýt còi” nhưng trong thời điểm đó không có giải pháp nào khác. “Thời gian tới, các địa phương cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động và đóng góp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đối với kinh tế địa phương. Đồng Nai cũng cần tính toán, cân nhắc về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch gia tăng, các quốc gia lớn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp sẽ rút về nước gây khó khăn cho nền kinh tế khi nguồn thu khu vực này sụt giảm”, đại biểu Huỳnh Thanh Bình kiến nghị.
Đồng tình với các ý kiến cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp tham gia bảo hiểm và giảm nợ BHXH, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Chủ tịch LĐLĐ tỉnh) cho rằng, cơ quan BHXH và các bên liên quan đã có nhiều giải pháp tích cực để kéo giảm nợ BHXH. Tuy nhiên, hiện giải pháp được cho là “mạnh tay” là khởi kiện doanh nghiệp ra tòa vẫn bị vướng về mặt tố tụng, do đó tổ chức Công đoàn dù được trao quyền nhưng chưa thể phát huy vai trò trong hoạt động này.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lê Ngọc Mai cho biết, đơn vị đang tích cực thực hiện phân loại và triển khai các giải pháp đôn đốc, thu hồi nợ. Đối với những đơn vị nợ 3 tháng trở lên, BHXH phối hợp với Sở LĐ-TBXH mời đến làm việc, thanh kiểm tra và xử phạt hành chính, đồng thời gửi danh sách đến Công an tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp để phối hợp xử lý. Đặc biệt, đơn vị đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để chuyển 8 hồ sơ doanh nghiệp nợ kéo dài cho cơ quan công an để xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Cần “mạnh tay” trong quản lý an toàn thực phẩm
Một vấn đề làm “nóng” các phiên thảo luận là an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Dung (đơn vị Biên Hòa) nêu thực trạng tỷ lệ cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm không hề giảm trong thời gian qua. Theo đó, 6 tháng đầu năm nay có 13% cơ sở cung cấp thực phẩm, cơ sở chế biến thực phẩm được thanh, kiểm tra vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (bằng cùng kỳ năm 2017). Tuy nhiên, tỷ lệ các cơ sở vi phạm bị xử phạt rất ít (chiếm 3,5% trên tổng số cơ sở vi phạm), còn lại là nhắc nhở.
Theo đại biểu Huỳnh Văn Tịnh (Giám đốc Sở LĐ-TBXH), hiện vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong thực phẩm rất đáng lo ngại. Vì vậy, cần phải quan tâm quản lý không chỉ nguồn gốc mà còn cả quy trình bảo quản, chế biến, nhất là cơ sở sản xuất, cung cấp và phân phối các hóa chất độc hại để sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm.
Nhận định hiện nay chúng ta vẫn chưa có giải pháp căn cơ, thực sự hiệu quả trong quản lý an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh có thể bám sát Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm để triển khai các giải pháp, chế tài xử lý mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Vừa qua, LĐLĐ tỉnh cũng đã tăng cường giám sát bữa ăn ca của các doanh nghiệp, từ đó có hướng dẫn, chấn chỉnh nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc tập thể xảy ra trên địa bàn. “Cùng với đó, cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ở lĩnh vực này tránh việc phân tán như hiện nay để có thể quy trách nhiệm cụ thể. Đồng thời phấn đấu hoàn thiện chính sách đầu tư, giảm dần tỷ trọng sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ để dễ kiểm soát hơn. Mặt khác, cũng nên thiết lập thông tin phản ánh về an toàn thực phẩm, tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời cũng như tạo thêm kênh thông tin bổ ích cho người tiêu dùng”, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý nêu ý kiến.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, nhạy cảm và liên quan trực tiếp đến sức khỏe nên mọi người, mọi nhà đều quan tâm. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hiện gặp nhiều khó khăn khi chúng ta chưa kiểm soát được nguồn thực phẩm đầu vào trong khi đối tượng cung cấp thực phẩm lại rất đa dạng, từ doanh nghiệp lớn đến những người mưu sinh ở vỉa hè. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành chức năng của tỉnh cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến nhằm nghiên cứu, triển khai các giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt là chủ động quản lý nguồn gốc thực phẩm, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bởi đây không phải là trách nhiệm của riêng ngành nào mà đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Rút giấy phép cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa biến tướng
Liên quan đến tình trạng vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, cơ sở kinh doanh game bắn cá cao (118/164 cơ sở được kiểm tra vi phạm, tỷ lệ 72%); một số cơ sở kinh doanh không đúng ngành nghề, biến tướng, phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là tại TP. Biên Hòa với 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa được kiểm tra đều có vi phạm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh đây là vấn đề nhức nhối, gây mất an ninh trật tự cần được chấn chỉnh kịp thời. Theo đó, bên cạnh vai trò của các ngành Văn hóa, công an, lãnh đạo các địa phương thì cơ quan cấp phép là Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cần xem xét lại trách nhiệm. Đối với những cơ sở hoạt động biến tướng, không đúng với đăng ký kinh doanh cần kiên quyết thu hồi giấy phép.
Bảo Hân
Tác giả: Lê Thị Phương Uyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập