Qua 20 năm hình thành và phát triển, Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) đã vượt mọi khó khăn để xây dựng vị thế, mô hình tổ chức phù hợp, phát huy hiệu quả của công tác TGPL trong việc thực hiện quyền con người, quyền công dân. Đến nay, công tác TGPL của trung tâm đã đạt được những kết quả tích cực, rất đáng ghi nhận.
Vượt qua khó khăn
Ngày 6-9-1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập hệ thống tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đây là căn cứ pháp lý đặt dấu mốc quan trọng cho sự hình thành của hệ thống tổ chức TGPL từ Trung ương đến địa phương. Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh cho biết, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh được thành lập ngày 3-7-1998, nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Những ngày đầu thành lập, trung tâm gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: đội ngũ nhân lực chỉ có 4 biên chế; mạng lưới cộng tác viên TGPL và Câu lạc bộ TGPL thời kỳ đầu chưa được hình thành; nguồn kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ hạn hẹp; mối quan hệ phối hợp giữa trung tâm và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể mới bước vào giai đoạn hình thành. Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, nhất là người nghèo, bà con sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến phát biểu tại hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật Trợ giúp pháp lý.
Trước tình hình trên, năm 2001, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác TGPL hướng hoạt động về cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập chi nhánh TGPL tại 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Tân phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với hoạt động này. “Mặc dù giai đoạn 1998 - 2006 gặp không ít khó khăn nhưng công tác TGPL đã có những đóng góp nhất định, góp phần vào thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước; khẳng định được vị trí, vai trò trong việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng khác, làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, ông Vinh chia sẻ.
Luật TGPL năm 2006 có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2007, là bước tiến trong hoạt động lập pháp lĩnh vực TGPL. Sự ra đời của Luật TGPL đã thể hiện nhất quán chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc giúp đỡ pháp luật, hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế trong xã hội. Đó là mốc son đánh dấu bước chuyển về chất, đưa công tác TGPL lên một tầm cao mới phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn đất nước và xu thế thời đại. Tại Đồng Nai, việc triển khai thực hiện Luật TGPL năm 2006 đã có tác động tích cực trong việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đối với người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, công tác TGPL cũng góp phần thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, bảo vệ quyền con người mà Đảng và Nhà nước đang quan tâm triển khai thực hiện.
Hiện nay, công tác tổ chức và hoạt động TGPL được thực hiện theo Luật TGPL năm 2017. Luật và những văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, dân tộc và quan điểm về quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, luật bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ
Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh cho hay, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và Ban giám đốc Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã từng bước khẳng định mình và tiếp tục phát triển. Là một trong những đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, từ chỗ chưa có trụ sở riêng để làm việc khi mới thành lập, chưa có trợ giúp viên, đến nay trung tâm đã có trụ sở làm việc độc lập, có phương tiện hoạt động riêng. Trung tâm có đội ngũ trợ giúp viên pháp lý chuyên nghiệp, năng động, nhiệt tình, cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng tốt; các cán bộ làm công tác TGPL đã công sức và trí tuệ vào những thành tựu chung của tỉnh nhà về phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, trung tâm đã thực hiện TGPL 20.940 vụ việc cho 20.940 lượt người nghèo, trẻ em, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số... Đồng thời, các yêu cầu TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật đều được đáp ứng kịp thời, tỷ lệ giải quyết là 100%; số vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện tăng dần, năm sau cao hơn năm trước. “Qua đánh giá, các vụ việc đã thực hiện đều đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào thực hiện TGPL sai, gây thiệt hại cho đối tượng”, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, trung tâm đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng TGPL cho 67 đợt/5.195 lượt người tham dự; phối hợp thực hiện hàng trăm phóng sự, bài viết TGPL trên các phương tiện truyền thông đại chúng; biên soạn, phát hành 197.000 tờ gấp pháp luật về TGPL. Đồng thời, trung tâm thường xuyên tham gia viết bản tin về TGPL trên trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý; cấp phát tờ rơi tại các địa điểm lắp đặt hộp tin thông tin TGPL của các cơ quan tố tụng, phòng tiếp dân cấp huyện, UBND cấp xã. Ngoài ra, trung còn phối hợp tốt với các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp và các cơ quan tổ chức liên quan để thực hiện truyền thông TGPL và tư vấn pháp luật...
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến nhận xét, qua 20 năm hình thành và phát triển, các thế hệ công chức, viên chức của Trung tâm đã đạt được những kết quả, thành tích đáng tự hào; khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công tác TGPL, đưa hoạt động TGPL đi vào đời sống, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho rất nhiều đối tượng, nhất là người nghèo, người khuyết tật, trẻ em, người có công, gia đình chính sách, những người yếu thế trong xã hội… Thông qua hoạt động TGPL đảm bảo quyền bình đẳng và công bằng trước pháp luật, thể hiện tính dân chủ, nhân văn của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Hiện Luật TGPL năm 2017 đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ 1-1-2018 mở ra một giai đoạn mới cho công tác TGPL với nhiều nội dung mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Luật được xây dựng xuất phát từ tinh thần lấy người được TGPL làm trung tâm nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL theo hướng chuyên nghiệp hóa, cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý miễn phí cho người yếu thế và những người thuộc diện chính sách. “Mong rằng, trong thời gian tới, với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết trong hoạt động TGPL, công chức, viên chức của trung tâm sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao”, Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến nói.
Đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý
Theo Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh, hiện Trung tâm có 25 công chức, viên chức, người lao động; trong đó có 17 trợ giúp viên. Ngoài ra, trung tâm còn có 2 phòng và 7 chi nhánh TGPL trực thuộc, với 95 cộng tác viên TGPL. Sự tham gia của các cộng tác viên đã góp phần xã hội hóa công tác TGPL, đáp ứng nhu cầu TGPL ngày càng đa dạng của người dân địa phương.
Thành Nhân
Tác giả: Lê Thành Nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập