(CTT - Đồng Nai) - Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, được đánh giá có nhiều điểm mới và sẽ khắc phục nhiều bất cập, hạn chế của Luật Công chứng năm 2014.
Vừa qua, Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai Luật Công chứng năm 2024 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành chính thức.
Góp ý nhiều nội dung thiết thực
Sau gần 10 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, những kết quả bước đầu đạt được đã khẳng định luật đã thực sự đi vào cuộc sống, hoạt động công chứng đã phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại, đồng thời cũng góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, hoạt động công chứng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cho nên, việc xây dựng dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Công chứng năm 2024 là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai Phan Quang Tuấn đề nghị bổ sung một số nội dung trong dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng năm 2024.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 15 Luật Công chứng năm 2024 quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với công chứng viên (CCV), Sở Tư pháp nơi cấp thẻ CCV ra quyết định tạm đình chỉ hành nghề công chứng (HNCC)”. Trong khi Điều 5 dự thảo nghị định chỉ quy định trách nhiệm của tổ chức HNCC: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc CCV bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, tổ chức HNCC nơi CCV hành nghề có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho Sở Tư pháp”.

Nhân viên của Phòng Công chứng số 1 hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch công chứng.
Nhân viên của Phòng Công chứng số 1 hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch công chứng.
Thực tế quản lý nhà nước về hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh cho thấy, đã xảy ra trường hợp văn phòng công chứng (VPCC) chỉ còn một CCV (đang trong thời hạn bổ sung CCV hợp danh), nhưng khi CCV đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhân viên vì không muốn liên lụy nên đồng loạt nghỉ việc…
Do đó, ông Phan Quang Tuấn đề nghị tại Điều 5 dự thảo nghị định cần bổ sung quy định cụ thể để thi hành khoản 1, Điều 15 Luật Công chứng năm 2024 theo hướng mở rộng quyền của Sở Tư pháp trong trường hợp sở có đầy đủ căn cứ về việc CCV bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Trong thời hạn nhất định, Sở Tư pháp được quyền chủ động trong việc ban hành quyết định tạm đình chỉ HNCC đối với CCV vi phạm.
Đối với thủ tục bổ nhiệm CCV được nêu tại khoản 3, Điều 4 dự thảo nghị định được quy định là: “Trong trường hợp thông tin trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chưa đầy đủ…, Sở Tư pháp yêu cầu người đề nghị bổ nhiệm CCV bổ sung... Thời hạn 20 ngày quy định tại khoản này bao gồm cả thời gian bổ sung, làm rõ, xác minh hồ sơ”. Trong khi tại khoản 4, Điều 4 dự thảo nghị định quy định: “Trong trường hợp thông tin trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chưa đầy đủ…, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu cơ quan, cá nhân, tổ chức có liên quan bổ sung... Thời hạn 20 ngày quy định tại khoản này được tính từ ngày Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận được kết quả bổ sung, làm rõ, xác minh hồ sơ”.
Từ vấn đề trên cho thấy, cùng một nội dung xem xét hồ sơ bổ nhiệm CCV giữa cấp sở và cấp bộ có sự không thống nhất về cách xác định thời hạn giải quyết hồ sơ bổ nhiệm. Do vậy, đề nghị đơn vị soạn thảo sửa thống nhất chung là “thời hạn 20 ngày quy định tại khoản này được tính từ ngày Sở Tư pháp/Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận được kết quả bổ sung, làm rõ, xác minh hồ sơ”.
Để Luật Công chứng năm 2024 đi vào cuộc sống
Tại buổi tọa đàm, một số ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 19 của dự thảo nghị định quy định “... VPCC theo loại hình công ty hợp danh không được chuyển đổi thành VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân” là còn cứng nhắc và hạn chế quyền của VPCC theo loại hình hợp danh có nhu cầu đổi thành loại hình tư nhân. Trong trường hợp địa bàn cấp huyện thuộc danh mục được thành lập VPCC tư nhân đang có VPCC hoạt động theo loại hình hợp danh, nay có nhu cầu chuyển đổi loại hình thành tư nhân (đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định) thì xử lý như thế nào. Do vậy, đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này theo hướng cho phép VPCC hoạt động theo loại hình hợp danh chuyển đổi thành loại hình tư nhân khi VPCC đó đang hoạt động thuộc danh mục được thành lập VPCC tư nhân.
Tại Điều 51 của dự thảo nghị định quy định về việc chụp ảnh CCV chứng kiến việc ký kết văn bản giao dịch. Nội dung này hiện đang nhận được sự quan tâm của đội ngũ CCV vì có những ý kiến trái chiều. Nhiều CCV băn khoăn là về phương tiện chụp là gì (điện thoại hay máy ảnh chuyên dụng); việc quay phim để làm tư liệu lưu trữ ở tổ chức HNCC có thể lưu trên tài khoản mạng xã hội được không? Do vậy, đề nghị dự thảo nghị định cần được quy định rõ hơn để khi áp dụng vào thực tế nhằm giúp CCV không bỡ ngỡ và lựa chọn cách thức thực hiện cho đúng tinh thần của luật.
Đối với quy định về thủ tục bổ nhiệm CCV (Điều 4 dự thảo nghị định), đại diện Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ cho rằng, trong xu thế cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thành phần hồ sơ thì việc quy định bỏ phiếu lý lịch tư pháp tại thủ tục bổ nhiệm CCV là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu lý lịch tư pháp sẽ khó để xác định một người “không thuộc các trường hợp không được bổ nhiệm CCV theo quy định của Luật Công chứng năm 2024”. Do đó, Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ đề xuất quy định theo hướng do người làm hồ sơ đề nghị bổ nhiệm CCV tự khai và chịu trách nhiệm về việc “không thuộc các trường hợp không được bổ nhiệm CCV”.