Dấu ấn 50 năm sáng tạo và cống hiến văn học nghệ thuật

Thứ hai - 21/04/2025 09:50
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Trong suốt 50 năm, văn học nghệ thuật​ (VHNT) Đồng Nai đã không ngừng vươn lên, khẳng định bản sắc riêng trong dòng chảy sáng tạo của cả nước. Những thành tựu VHNT đạt được là minh chứng cho niềm đam mê, tâm huyết và bản lĩnh của các thế hệ văn nghệ sĩ đã góp phần làm nên hành trình đáng tự hào này.

Vở cải lương Sứ mệnh của Nghệ sĩ Nhân dân Đồng Thị Quế Anh vinh dự được tôn vinh
Vở cải lương Sứ mệnh của Nghệ sĩ Nhân dân Đồng Thị Quế Anh vinh dự được tôn vinh

Nhiều tác phẩm được tôn vinh

Theo Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, chặng đường 50 năm sau giải phóng miền Nam đã chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ của VHNT Đồng Nai. Nhiều tác phẩm ra đời không chỉ phản ánh chân thực đời sống, tình cảm của người dân và vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai mà còn đạt đến giá trị nghệ thuật cao, vươn tầm quốc gia và được công chúng đón nhận.

Trên lĩnh vực văn học, Đồng Nai tự hào có những tác phẩm giá trị, mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử địa phương, đồng thời lan tỏa những giá trị chung của dân tộc. Có thể kể đến: tập truyện ngắn "Bến xuân" của nhà văn Lý Văn Sâm, tiểu thuyết "Lời nguyền 200 năm" của Nguyễn Thái Hải, tập truyện ký "Dưới chân núi Minh Đạm" của Hoàng Kim Chung, tiểu thuyết "Chuyện tình ở Hầm Hinh" của Trần Thu Hằng, truyện vừa "Cù lao yêu dấu" của Hoàng Ngọc Điệp; cùng với đó là những tập thơ giàu cảm xúc như "Quả ngọt" của Lê Đăng Kháng, "Giấc rừng" của Đàm Chu Văn, "Gửi dòng sông Đồng Nai" của Trần Ngọc Tuấn.

Nhà thơ Lê Đăng Kháng bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi tác phẩm "Quả ngọt" của ông được chọn để tôn vinh trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cho biết, tập thơ và trường ca này đã được sáng tác từ lâu, từng đạt giải B Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ 2 (2000-2005). Tác phẩm gồm 39 bài thơ ở phần đầu và trường ca "Khúc tráng ca của lửa", đặc biệt kể những câu chuyện bi tráng về cuộc đời tác giả và quê hương Đồng Nai trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.

Lĩnh vực âm nhạc Đồng Nai cũng đóng góp những tác phẩm giá trị, chạm đến trái tim người nghe và khắc họa một cách sinh động hình ảnh Đồng Nai hào hùng, trữ tình, nơi âm nhạc hòa quyện cùng lịch sử và văn hóa. Tiêu biểu có thể kể đến "Đồng Nai mùa sầu riêng" của Trần Viết Bính, "Tổ quốc và người lính" của Cao Hồng Sơn, "Đồng Nai rạng ngời đất nước" của Nguyễn Bòn, "Cồng vang đêm Chiến khu Đ" của Khánh Hòa, "Đồng Nai rực sáng tương lai" của Trần Tâm và "Sáng mãi tên Người" của Lệ Hằng. Theo nhạc sĩ Lệ Hằng, hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng lớn cho sáng tác của chị, và ca khúc "Sáng mãi tên Người" được tôn vinh lần này từng đạt giải A trong cuộc thi về học tập và làm theo gương Bác năm 2009, một sự ghi nhận cho những đóng góp của chị trong suốt 50 năm VHNT Đồng Nai và Việt Nam.

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Nai đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng VHNT của tỉnh bằng những tác phẩm ghi lại vẻ đẹp thiên nhiên, con người và sự đổi thay của quê hương. Tiêu biểu có thể kể đến "Từ tâm" (Bùi Viết Đồng), "Bé uống vitamin" (Phạm Quốc Hưng), "Chuyện lạ có thật" (Trần Văn Kỷ), nhiều tác phẩm trong số đó đã vươn tầm quốc tế. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian cũng được các văn nghệ sĩ tỉnh nhà sáng tạo, cống hiến, tạo nên một nền VHNT Đồng Nai đậm đà bản sắc văn hóa, phản ánh hơi thở cuộc sống.

Tác phẩm Lũ thượng nguồn của tác giả Trần Đình Thắng được xét chọn tôn vinh 50 năm văn học nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất
Tác phẩm Lũ thượng nguồn của tác giả Trần Đình Thắng được xét chọn tôn vinh 50 năm văn học nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất

Ghi nhận sự đóng góp xứng đáng của văn nghệ sĩ

Theo NSND Giang Mạnh Hà, các tác phẩm VHNT được tôn vinh lần này đều là những tác phẩm đã đồng hành và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh Đồng Nai kể từ sau năm 1975. Bên cạnh đó, chúng còn là những tác phẩm đạt được những giải thưởng cao và được hội đồng chuyên môn đánh giá cao. Việc này không chỉ là sự vinh danh xứng đáng cho văn nghệ sĩ mà còn thể hiện sự coi trọng của Đồng Nai đối với vai trò của VHNT trong việc lưu giữ lịch sử, làm giàu đời sống tinh thần và khơi dậy nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Mỗi tác phẩm được tôn vinh không chỉ là một lát cắt của lịch sử, một tiếng nói của thời đại, mà còn là minh chứng cho hành trình nghệ thuật đầy gian truân nhưng cũng đầy đam mê của người nghệ sĩ trên con đường tìm kiếm vẻ đẹp, chân lý và tình yêu quê hương. Những giá trị tinh thần ấy sẽ sống mãi trong lòng công chúng, trở thành nền tảng văn hóa quý báu cho sự phát triển bền vững của Biên Hòa - Đồng Nai.

NSND Giang Mạnh Hà khẳng định, sau 50 năm nhìn lại với lòng biết ơn và tự hào, VHNT Đồng Nai sẽ tiếp tục định hình chiến lược phát triển cho 50 năm tới, khuyến khích văn nghệ sĩ đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 và AI để tạo ra những tác phẩm chạm đến trái tim người xem, người nghe, đồng thời quảng bá hình ảnh Đồng Nai ra thế giới.

Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây