Đánh giá toàn diện, xác định giải pháp phát triển trong 6 tháng cuối năm

Thứ sáu - 06/07/2018 01:01
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Với việc đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018 có những tín hiệu tích cực song còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX tập trung xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra trong năm 2018.

Kinh tế tăng trưởng ổn định

Báo cáo tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, hoạt động giám sát của HĐND và đặc biệt là sự nỗ lực, sáng tạo của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, bức tranh kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục có những gam màu sáng. Điều này được thể hiện qua tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm  tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,2%, dịch vụ tăng 7,53% và  nông, lâm, thủy sản tăng 3,1%.

Đặc biệt, Đồng Nai tiếp tục cho thấy thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với sự tăng trưởng ổn định ở hầu hết các ngành. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 8,35% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 5,2%; nhóm ngành chế biến, chế tạo tăng 8,19%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 8,35%...

Cùng với đó, thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, giá xuất khẩu tăng, nhất là ở các doanh nghiệp ngành giày da, may mặc đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tăng đáng kể. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 9.077 triệu USD, tăng 12,64% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, với  7.770 triệu USD.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai đã và đang tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác để kêu gọi đầu tư theo hướng có chọn lọc. Các hoạt động đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh được tỉnh chú trọng thực hiện thường xuyên, đồng bộ. Xác định cải cách thủ tục hành chính là tiền đề quan trọng, tạo bước đột phá để thúc đẩy phát triển, công tác này đang được tỉnh dồn sức thực hiện. Điều này cũng được thể hiện qua việc tăng bậc các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính…

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX.

Những nỗ lực, giải pháp nhằm thực hiện cam kết “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, đặc biệt là đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã góp phần tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư. Đến hết tháng 6-2018, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 950 triệu USD, tăng 48,4% so cùng kỳ. Cũng trong thời gian này, có 1.650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký kinh doanh 12.000 tỷ đồng. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 31.000 doanh nghiệp.

Ngoài ra, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh  đã có 129/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 97% tổng số xã xây dựng nông thôn mới; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 8/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, góp phần thiết thực vào ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh - quốc phòng.

Tập trung đảm bảo an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã hỗ trợ trên 2.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay số tiền 83,5 tỷ đồng; cấp gần 50.800 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo với số tiền 11,8 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 47.600 lượt lao động, đạt gần 60% kế hoạch, trong đó đưa vào các doanh nghiệp trên 31.400 lao động, lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội trên 16.000 lao động.

6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được trên nhiều lĩnh vực, Phó chủ tịch UBND Trần Văn Vĩnh nhận định, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Trong đó có việc sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trở lại nhưng thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; công tác quản lý đất đai, xây dựng ở một số địa phương chưa chặt chẽ…

Liên quan đến những khó khăn trong công tác thu ngân sách, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các biện pháp thu ngân sách ngay từ những tháng đầu năm; tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm là 23.519 tỷ đồng, đạt 44% dự toán năm. Tuy nhiên, các khoản thu có tỷ trọng lớn như thu từ lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương, địa phương và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt thấp (dưới 50% dự toán). Vấn đề này cũng được Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc kỳ họp. Theo đó, tình hình thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm cho thấy những dự báo từ năm 2017 về khó khăn trong thu ngân sách là chính xác, phù hợp thực tế và cho thấy địa phương đã có những chủ động trong việc khắc phục những khó khăn về ngân sách.

Đối với công tác thu hút đầu tư, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng, cần có đánh giá để tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể, phù hợp để phát huy hơn nữa nguồn lực trong nước bởi đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng cao nhưng đầu tư trong nước có sự giảm sút đáng kể về nguồn vốn so với 6 tháng đầu năm ngoái. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng và tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp về cải cách hành chính.

Nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại và tạo những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nêu 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trọng tâm là tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhấn mạnh đến việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về điều hành ngân sách, bảo đảm thực hiện đạt các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài theo hướng có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; rà soát tình hình thực hiện các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành lĩnh vực nhằm khai thác các lợi thế, tiềm năng; tăng cường quản lý đầu tư công, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ và hiệu quả gắn với đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường gắn kết 4 nhà tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Một nhiệm vụ cũng được tập trung thực hiện trong 6 tháng tới là chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện nhanh và hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu đất dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, tỉnh tập trung tổ chức quán triệt và thực hiện tốt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và  hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Tăng cường thanh, kiểm tra phân lô, bán nền, xây xựng trái phép

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, thời gian qua, công tác quản lý đất đai, xây dựng ở một số địa phương chưa tốt, xuất hiện tình trạng phân lô bán nền của một số chủ đất, chủ đầu tư, các công ty môi giới chào bán tại một số địa phương trong khi không có dự án hoặc các dự án chưa được hoàn chỉnh về thủ tục pháp lý, hạ tầng chưa hoàn chỉnh theo quy định. Nguyên nhân do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương để xử lý kiên quyết, công tác tham mưu chưa đảm bảo cả về nội dung và thời gian. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, phân lô, bán nền, xây dựng không phép, phá vỡ quy hoạch…

Bầu bổ sung 2 Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021

Chiều 3-7, trong chương trình kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu đã bỏ phiếu bầu 2 Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Lê Hoàng Ngọc, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) và bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN). Đồng thời biểu quyết miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Cao Tiến Dũng, hiện được điều động giữ chức Bí thư Huyện ủy Long Thành và nguyên Chánh Thanh tra tỉnh Cao Văn Quang, hiện giữ chức Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ. Các đại biểu cũng đã biểu quyết miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh đối với các ông: Phạm Văn Sáng, nguyên Giám đốc Sở KH-CN và Nguyễn Minh Hùng, nguyên Giám đốc Sở TT-TT nghỉ hưu theo chế độ.

Thảo Nguyên

Tác giả: Lê Thị Phương Uyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây