(CTT-Đồng Nai) - Để đảm bảo cuộc sống nơi xa quê, nhiều công nhân lao động (CNLĐ) chọn làm thêm giờ, tăng ca hàng tháng.

Người lao động phải tăng ca, làm thêm giờ mới đảm bảo chi phí sinh hoạt và giá cả leo thang
Người lao động phải tăng ca, làm thêm giờ mới đảm bảo chi phí sinh hoạt và giá cả leo thang
Theo kết quả khảo sát mới đây do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) thực hiện về tình hình đời sống, việc làm và tiền lương của người lao động, có hơn 52% người lao động phải làm thêm giờ. Số ngày làm thêm trung bình mỗi tháng là hơn 10 ngày.
Đáng chú ý, có tới 76,2% người lao động tham gia khảo sát tình nguyện làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian làm thêm giờ trung bình mà họ mong muốn là 47,3 giờ/tháng. Điều này cho thấy, làm thêm giờ không chỉ là một giải pháp tình thế, mà còn là một nhu cầu đối với nhiều CNLĐ.
Trường hợp của chị L. (quê ở tỉnh Nghệ An), một công nhân sản xuất tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, là một minh chứng điển hình cho tình trạng làm thêm giờ của nhiều công nhân lao động hiện nay. Chị L. làm việc trung bình 12 giờ/ngày, bao gồm cả thời gian tăng ca. Theo chị, nếu chuyển sang một công ty khác có ít tăng ca hơn, thu nhập sẽ giảm, vì vậy chị vẫn chấp nhận gắn bó với công việc hiện tại. Cũng như chị L., câu chuyện của chị T., công nhân bộ phận kiểm hàng trong một doanh nghiệp may mặc tại Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa), hơn 9 năm làm việc, mức thư nhập của chị gần 10 triệu đồng/tháng, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp và tiền tăng ca. Theo chị T., nếu chỉ tính lương cơ bản và các khoản phụ cấp, mỗi tháng chị chỉ nhận được khoảng 6,4 triệu đồng. Để có mức thu nhập khá hơn, chị phải tăng ca 16 ngày/tháng, mỗi ngày 2 giờ.
Theo Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), công nhân làm ca đêm, làm thêm giờ có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, dễ mắc các bệnh nghề nghiệp, chứ không chỉ là mỏi mệt thông thường; hơn nữa, còn để lại nhiều vấn đề bất cập trong các mối quan hệ xã hội cũng như gia đình. Bên cạnh đó, khi CNLĐ thường xuyên làm việc kéo dài thời gian (quá 8 giờ/ ngày), nếu không được đảm bảo về dinh dưỡng hay thời gian nghỉ ngơi cũng sẽ dẫn đến hiệu quả công việc bị giảm sút, dễ gây mất an toàn lao động trong quá trình làm việc.
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày và được sự đồng ý của người lao động.
Thời gian qua, khi được Công đoàn khảo sát, CNLĐ cho biết, mong muốn được tăng ca, bởi thu nhập bình quân quá thấp, chỉ đạt khoảng 8 triệu đồng/tháng. Với mức này, trừ các khoản chi phí ở trọ, sinh hoạt phí, nuôi con ăn học của một gia đình, họ không còn dư dả bao nhiêu, thậm chí còn thiếu. Trong khi lương tối thiểu vùng thấp nhưng chi phí sinh hoạt và giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đều tăng. Điều này gây áp lực cho cuộc sống của CNLĐ, buộc họ lựa chọn tăng ca và làm việc vượt số giờ quy định.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Advanced Multitech (huyện Nhơn Trạch) Đỗ Thị Thúy Kiều cho rằng, quan trọng nhất là cải thiện tiền lương tối thiểu cho CNLĐ mới đảm bảo mức sống hiện nay. Nếu lương tối thiểu đảm bảo, công nhân không tăng ca quá số giờ quy định và có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, làm việc năng suất cao hơn.