Tại hội nghị Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh lần thứ 13 (khóa IX), các đại biểu đã tập trung bàn thảo nhiều nội dung liên quan đến hoạt động Công đoàn và phong trào CNVCLĐ. Trong đó thu hút nhiều ý kiến quan tâm trao đổi là việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ và vấn đề doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động.
Thực hiện Nghị định 60 còn khó
Thực tế “vướng, khó” trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã được đề cập đến trong nhiều hội nghị của tổ chức Công đoàn và đến nay vẫn tiếp tục là vấn đề “nóng”. Theo LĐLĐ tỉnh, tính đến cuối tháng 10-2017, toàn tỉnh có 567/1.198 doanh nghiệp có CĐCS thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 60 tổ chức hội nghị người lao động, đạt 47,3%, vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở một số nơi còn hình thức, những vướng mắc chậm được giải quyết; sự phối hợp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện của các cơ quan liên quan chưa quyết liệt, chưa có chế tài đủ mạnh. Chủ tịch LĐLĐ các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc… phản ánh việc nâng tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động theo Nghị định 60 đang gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, vai trò chủ động là chính quyền, chuyên môn; CĐCS có vai trò phối hợp, giám sát. Thế nhưng trước nay Công đoàn gần như phải “bao sân” trong tác động, tổ chức…, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ trong thực hiện nghị định.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Xuân Lộc Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, trên địa bàn huyện các doanh nghiệp hầu hết đều có quy mô nhỏ, rất nhỏ, nhiều doanh nghiệp mang tính chất gia đình chuyên chăn nuôi, chế biến nông sản, làm mộc, nhiều nơi sử dụng lao động thời vụ. Yêu cầu các doanh nghiệp này tổ chức hội nghị người lao động thì có nơi họ vẫn làm nhưng thực ra chỉ là hình thức vì các thành viên đều là người trong gia đình.
Hội nghị Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh lần thứ 13, khóa IX.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, năm 2017, Trung ương đã có khảo sát tại một số địa phương khu vực phía Bắc và phía Nam về thực hiện Nghị định 60. Kết quả cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động thấp, trung bình khoảng 50%. Thực tế Nghị định 60 có nhiều vấn đề không áp dụng được, ngay cả trong đối tượng, phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, các cấp Công đoàn cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của đại diện Công đoàn trong Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở để tiếp tục góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 60.
Vẫn còn nỗi lo nợ BHXH
Năm qua, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong kéo giảm nợ BHXH, số nợ thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Tính đến cuối tháng 10-2017, trên địa bàn tỉnh có 454 doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên của người lao động với tổng số tiền 100,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng chậm nộp, nợ đọng, trốn đóng BHXH của một số doanh nghiệp đã gây khó khăn trong chốt sổ BHXH, việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với người lao động.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Trảng Bom Lê Đức Thụy cho biết, trên địa bàn huyện hiện có Công ty TNHH KL Texwell Vina (trụ sở tại KCN Bàu Xéo, có trên 2.400 lao động) đang nợ tiền BHXH của công nhân lao động từ tháng 6 - 2017 đến nay với tổng số nợ lên tới trên 30 tỷ đồng. Không thể yên tâm để làm việc, từ năm 2017 đến nay, công nhân lao động tại đây đã phản ứng lao động tập thể 2 lần. “Công đoàn huyện mong các cơ quan chức năng tác động để doanh nghiệp khắc phục nợ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động”, anh Lê Đức Thụy kiến nghị.
Chia sẻ về việc góp phần kéo giảm nợ BHXH tại các doanh nghiệp, Chủ tịch LĐLĐ huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Công Ký cho biết, trước đây rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện cố tình trốn đóng BHXH, có những doanh nghiệp có 100 lao động nhưng chỉ đóng BHXH khoảng 20 đến 30 người. Qua quá trình huyện tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giám sát với sự vào cuộc của các ngành liên quan, tình hình thực hiện pháp luật BHXH đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ lao động tham gia BHXH khoảng 85%; trên địa bàn huyện ít có doanh nghiệp nợ BHXH.
Mặc dù nợ BHXH đã được kéo giảm đáng kể nhưng thực tế một số doanh nghiệp vẫn còn nợ BHXH và quyền lợi của người lao động đang bị xâm phạm và đây vẫn đang là vấn đề bức xúc của nhiều người lao động. Chủ tịch LĐLĐ huyện Xuân Lộc Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, trong phương hướng, nhiệm vụ hoạt động Công đoàn năm 2018 nên đặt ra các giải pháp trọng tâm để giải quyết các vấn đề bức xúc từ thực tiễn mà nợ BHXH là một trong những nội dung cụ thể.
Quan tâm chăm lo Tết đến mọi người lao động
Phát biểu bế mạc hội nghị Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh lần thứ 13 (khóa IX), Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý nhấn mạnh, chuẩn bị đón xuân mới Mậu Tuất 2018, trước mắt các cấp Công đoàn cần tập trung tổ chức tốt các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên và người lao động. Trong đó lưu ý tập trung bám cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động như vấn đề tiền lương, tiền công, tiền thưởng trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là tại các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn để kịp thời kiến nghị giải quyết. Đồng thời cần quan tâm chăm lo đến những đối tượng công nhân, lao động thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê ăn Tết, đảm bảo để mọi người lao động đều đón Xuân vui vẻ, phấn khởi...
Bích Hoàng
Tác giả: Hoàng Thị Bích Phú
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập