Chủ động phòng, chống dịch từ đầu năm

Thứ tư - 17/01/2018 00:08
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hiện nay vẫn còn tới 10/28 dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành trên toàn tỉnh, trong đó, nhiều bệnh có số ca mắc luôn ở mức cao, thậm chí gây tử vong. Năm 2018, UBND tỉnh sẽ dành khoảng 25 tỷ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người.

Còn nhiều khó khăn

BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho hay, năm 2017, dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh tại huyện Nhơn Trạch, lúc đầu việc kiểm soát, phòng chống dịch ở địa phương còn chậm và đối phó. Các đoàn kiểm tra phòng chống dịch phải làm việc gắt gao với đầy đủ sự tham gia của chính quyền địa phương thì mới hiệu quả. Hiện chưa có phân công cụ thể về phụ trách địa bàn từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm của tỉnh. Về công tác chuyên môn của ngành Y tế, BS. Bình thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, 3 chiến dịch diệt loăng quăng tại 171 phường, xã của năm 2017 được tổ chức rất lớn, chi phí tốn kém nhưng hiệu quả lại chưa cao. Nguyên nhân và tình hình SXH của mỗi địa phương có tính chất khác nhau nhưng đều cùng làm chiến dịch như nhau. Hơn nữa, việc xử lý ca bệnh, ổ dịch vẫn còn chậm do thông tin chưa kịp thời. “Vòng 4 của chiến dịch, chúng tôi đã rút kinh nghiệm, tập trung kinh phí, nhân lực vào các điểm trọng điểm để xử lý”, BS. Bình nói.

Một khó khăn khác trong phòng chống dịch là vào các nhà máy, xí nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh để khảo sát, diệt lăng quăng không hề dễ dàng. Qua lần kiểm tra một nhà máy ở huyện Nhơn Trạch trong mùa dịch năm ngoái có rất nhiều ổ lăng quăng. Bên cạnh đó, ở các khu dân cư hay bãi đất trống, các công trình xây dựng có nhiều bãi rác với vật liệu chứa nước đọng, lăng quăng. “Mặc dù kinh phí phòng chống dịch luôn được UBND tỉnh cấp đầy đủ, sử dụng không hết nhưng một số khoản chi phí cho cộng tác viên vẫn còn rất thấp. Điển hình, công phun thuốc hiện chỉ quyết toán 100.000 đồng/ngày phun. Nhưng thực tế, công việc này khá nặng nhọc, mức thù lao phải từ 300.000 đồng/ngày phun mới thuê được người đi phun thuốc”, BS. Bình cho hay.

Phối hợp tốt để phòng, chống dịch

Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Huỳnh Lệ Giang, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống và loại trừ dịch bệnh nguy hiểm tỉnh cho rằng, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thời điểm mà muỗi SXH hoạt động truyền bệnh là lúc công nhân vẫn còn đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ hơn với bộ phận y tế của các doanh nghiệp để đảm bảo vấn đề môi trường, không có lăng quăng như tình hình năm ngoái. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác phối hợp nhằm chủ động trong phòng, chống dịch. “Ngành Giáo dục không có chuyên môn để cảnh báo về mùa dịch bệnh. Vì vậy, Sở Y tế cần có dự báo dịch bệnh theo mùa để ngành Giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho học sinh, sinh viên”, bà Giang nói.


 Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống SXH tại huyện Nhơn Trạch năm 2017.

Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Trần Văn Quang cho biết thêm, dịch SXH trong năm 2017 diễn biến rất phức tạp, vì vậy, năm nay, phải cắt được nguồn lây bệnh từ muỗi sang người. Chính vì vậy, nhân lực, kinh phí phải được tập trung cho khâu đầu, ngăn chặn sinh sôi, nảy nở của muỗi để chặt đường lây bệnh. Ngoài ra, dịch bệnh từ gia súc, gia cầm lây sang người rất nhiều, đặc biệt là các loại cúm A (H5N1, H7N9), bệnh dại. Theo ông Quang, các ngành liên quan phải cùng nhau lồng ghép tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh tới người dân. Ngoài ra, thông tin về dịch tễ giữa các ngành như Nông nghiệp với ngành Y tế về các loại dịch bệnh từ gia súc, gia cầm sang người phải nhanh chóng, kịp thời. Từ đó, mỗi ngành sẽ có những biện pháp ngăn chặn cụ thể, tránh để xảy ra dịch.

Trong tháng 2-2017, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm tại các xã Suối Trầu, Bỉm Sơn (huyện Long Thành). Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện Long Thành để dập dịch.

Tổng số vắc xin tiêm phòng cho 8 xã của huyện Long Thành là gần 700 ngàn liều, tiêu hủy gần 7.000 con gà ở các trại có vi rút H5N1 trên gia cầm. “Chúng tôi đã thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về các ổ dịch. May mắn là trong năm 2017 đã không có trường hợp dịch cúm lây từ gia cầm sang người, bệnh dại cũng không ghi nhận lây từ động vật sang người”, ông Quang chia sẻ.

Từ cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận bệnh do vi rút Zika. Tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh. Đối với căn bệnh này, ngay từ đầu năm 2017, ngành Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm giám sát chủ động, giám sát mật độ muỗi tại các địa phương trọng điểm; phun hóa chất diệt loăng quăng. Các bệnh cúm A (H5N1) vẫn ghi nhận trên đàn gia cầm nhưng cả H5N1 và H7N9 đều chưa xảy ra trên người.

Theo BS. Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế, năm 2018, ngành Y tế sẽ tập trung phòng, chống các dịch bệnh đang lưu hành tại địa phương như: SXH, tay chân miệng, sởi, cúm A (H5N1, H5N9, H1N1); tăng cường hệ thống giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnh tại tất cả các tuyến để không xảy ra dịch lớn.

Phát biểu kết luận tại buổi họp của Ban chỉ đạo phòng, chống và loại trừ dịch bệnh nguy hiểm tỉnh gần đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nhấn mạnh: chỉ một mình ngành Y tế không thể làm tốt việc phòng, chống dịch. Đó là nhiệm vụ của cả các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, ngành Y tế cũng cần phải ra soát lại những nguyên nhân khiến một số dịch bệnh vẫn tăng cao trong năm qua để tìm giải pháp khắc phục. Năm nay, mỗi thành viên thuộc Ban chỉ đạo sẽ phụ trách phòng, chống dịch ở một huyện. “Chúng ta phải tận dụng lực lượng cộng tác viên và tăng tiền hỗ trợ cho họ ở mức hợp lý. Ngoài ra, vấn đề xử phạt các hộ dân không thực hiện phòng, chống dịch, gây ô nhiễm môi trường cũng cần được thực hiện”, bà Hiệp nói.

Trong năm 2017, có 10/ 28 dịch bệnh truyền nhiễm có số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là các bệnh sốt xuất huyết (SXH) với hơn 6 ngàn ca mắc (số ca nhập viện điều trị tăng 45,7% so với năm 2016), 4 ca tử vong. Toàn tỉnh cũng ghi nhận 845 ổ dịch SXH, cao hơn năm 2016 là 239 ổ dịch. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng cũng có số ca mắc cao hơn năm trước với 9.469 ca mắc, số ca nhập viện điều trị tăng 963 ca…

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây