“Câu chuyện kỷ vật thời chiến”

Thứ tư - 13/12/2023 08:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Đó là chủ đề của cuộc triển lãm chuyên đề do Sở VHTT-DL tổ chức tại Bảo tàng Đồng Nai. Triển lãm khai mạc sáng 12-12 và sẽ mở cửa đón khách đến tham đến hết ngày 30-3-2024.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm chuyên đề “Câu chuyện kỷ vật thời chiến”
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm chuyên đề “Câu chuyện kỷ vật thời chiến”

Trưng bày 100 kỷ vật thời chiến

Triển lãm trưng bày hơn 100 hiện vật, hình ảnh tài liệu khoa học Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động, thú vị gửi tới người xem. 100 kỷ vật, tài liệu này được chia thành hai chủ đề “Chuyện nơi tiền tuyến” và “Chuyện ở hậu phương”.

Chủ đề Chuyện nơi tiền tuyến gồm 63 hiện vật. Đó là những lá thư của các chiến sĩ ở chiến trường gửi cho người thân là cha mẹ, anh chị em, người yêu… thể hiện tình cảm nhớ thương, mong ngày đoàn tụ. Là tấm vải thêu chữ “Hà - Nhàn” - kỷ niệm của đôi vợ chồng mới đăng ký tại chiến trường. Họ thề với nhau khi đất nước được độc lập, thì sẽ tổ chức đám cưới. Bằng chứng cho lời thề đính hôn tượng trưng cho một mối tình son sắt, đợi ngày độc lập đó là đồng chí Nhàn đã trao cho đồng chí Hà - người chồng tương lai một tấm vải do chính tay chị thêu hai chữ “Hà - Nhàn”.

Đó là những chiếc máy ảnh, camera quay trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; đèn dầu tự tạo, cà men, la bàn... Là chiếc cặp đựng tài liệu của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An được Bộ Tổng tham mưu cấp tháng 2-1961. Trong thời kỳ kháng chiến, ông sử dụng chiếc cặp này để đựng giấy tờ, sách vở, tài liệu phục vụ cho công tác, chiến đấu.

Triển lãm cũng trưng bày 2 chiếc dao lê Mỹ. Đây là chiến lợi phẩm của chiến sĩ đặc công Rừng Sác -Nguyễn Đức Ênh - lấy được của địch, sau đó tặng cho Thủ trưởng Lê Bá Ước sử dụng làm công cụ phòng thân và đánh địch từ năm 1967-1975…

Chủ đề Chuyện ở hậu phương gồm 55 hiện vật. Đó là những vật dụng thường ngày (khăn rằn, tụng, tép, hũ, nồi, bồng, nón sắt, cối giã gạo …) được sử dụng thành những vật dụng hữu hiệu nhằm qua mắt được sự kiểm soát nghiêm ngắt của quân địch, để trao đổi những thông tin mật của cách mạng, vận chuyển những nhu yếu phẩm thiết yếu của nhân dân đóng góp ra tiền tuyến nuôi quân. Bên cạnh đó, còn có những hiện vật của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam ở các trại, nhà tù như: áo gối thêu, giỏ xách, tấm vải thêu... qua từng hiện vật đã thể hiện những tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ của các chiến sĩ đối với gia đình, người thân.

Các đại biểu tham quan triển lãm chuyên đề “Câu chuyện kỷ vật thời chiến”
Các đại biểu tham quan triển lãm chuyên đề “Câu chuyện kỷ vật thời chiến”

Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Trải qua 2 cuộc kháng chiến với biết bao gian khổ, hy sinh của người chiến sĩ cách mạng, những kỷ vật còn lại của họ như một cuốn truyện đầy xúc động, ghi lại ký ức một thời hoa lửa. Triển lãm chuyên đề: “Những câu chuyện về kỷ vật thời chiến” giới thiệu những hiện vật kháng chiến, từ những kỷ vật nơi tiền tuyến đầy bom đạn chiến tranh đến những kỷ vật ở hậu phương và các chiến sĩ bị giam cầm. Tất cả hiện vật ấy đều chứa đựng trong nó những câu chuyện gắn liền với cuộc đời hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Minh chứng cho tình yêu thương đất nước, sự sáng tạo, tinh thần anh dũng, vượt khó của các chiến sĩ trong hoàn cảnh khó khăn, chiến đấu gian khổ trên chiến trường.

Đó là bằng chứng cho lời hẹn ước, hay cả tấm lòng được gửi gắm qua từng kỷ vật. Các kỷ vật ấy cũng là vật làm ám hiệu, liên lạc những tin tức bí mật cho cách mạng. Trong đó, có những kỷ vật “vật còn người còn” nhưng cũng có kỷ vật thay người chiến sĩ cách mạng kể lại câu chuyện cuộc đời mình.

Thông qua các hiện vật, tài liệu, triển lãm giúp công chúng hiểu biết thêm về những gian khổ, hy sinh của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay; để thế hệ trẻ biết tôn vinh và tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh vì tổ quốc; khơi gợi lòng yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm và tiếp bước truyền thống xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây