Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe lao động nữ ngành giày da, may mặc

Thứ năm - 18/01/2024 21:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT - Đồng Nai) - Sở Khoa học – công nghệ vừa tổ chức hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe lao động nữ ngành may mặc và giày da trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Kết quả nghiên cứu đề tài sẽ cung cấp thêm số liệu giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách và có giải pháp nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe cho lao động nữ. Từ đó gia tăng giá trị lao động cho các doanh nghiệp may mặc và giày da trên địa bàn tỉnh.

Điều kiện làm việc nhiều áp lực
Đề tài do Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường miền Nam thực hiện; TS-BS Trịnh Hồng Lân (Phân viện trưởng) và BS CKII Huỳnh Cao Hải (nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai) làm chủ nhiệm.

Đại diện đơn vị chủ trì đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu
Đại diện đơn vị chủ trì đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu

Theo TS-BS Trịnh Hồng Lân, may mặc là ngành công nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia, với lực lượng lao động nữ chiếm đại đa số, tương tương 75% và 85% tổng số lao động của ngành. Song, công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn chưa được đảm bảo, do đó môi trường lao động vẫn tồn tại các mối nguy hại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Tại khu vực phía Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, có rất ít nghiên cứu về môi trường lao động và sức khỏe của lao động nữ. Nghiên cứu được triển khai với mục tiêu mô tả thực trạng môi trường lao động và đánh giá sức khỏe của lao động nữ tại một số doanh nghiệp may thuộc tỉnh Đồng Nai năm 2022.
Kết quả nghiên cứu ghi nhận phân loại sức khỏe của lao động nữ loại trung bình loại 3 chiếm 62,6%, loại tốt (loại 2) chiếm 32,2%, loại rất tốt (loại 1) chiếm 2,2% và loại yếu (loại 4) là 3%, không có loại rất yếu (loại 5). Các đặc điểm môi trường như khí hậu, ánh sáng, tiếng ồn, bụi và hơi khí độc ở các doanh nghiệp được khảo sát đều không vượt quá tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động.
Sự gò bó của điều kiện lao động buộc người công nhân thường xuyên phải chịu đựng các tư thế gây mệt mỏi trường diễn. Thời gian lao động và nghỉ ngơi không hợp lý cũng tạo ra sự xáo trộn các hoạt động tâm sinh lý của người lao động, gây nên các rối loạn bệnh lý, stress nghề nghiệp.

Người lao động làm việc trong ngành may mặc
Người lao động làm việc trong ngành may mặc

Tiếng ồn là một đặc trưng của nghề may, giày da dù cường độ thường không cao, song do chịu tác động thường xuyên, liên tục nên gây ra các rối loạn sinh lý cấp hoặc mạn tính đối với người lao động.
Thiết bị chiếu sáng và vị trí làm việc có cường độ chiếu sáng không phù hợp cũng ảnh hưởng đến thần kinh. Các loại bụi sẽ gây nên các bệnh đường hô hấp; trong khi bị kim đâm vào ngón tay là một trong những tai nạn xảy ra phổ biến nhất ở công nhân may. Việc tổ chức, sắp xếp, cố định máy may không tốt còn dẫn đến bị rung, tác động đến toàn bộ cánh tay, cổ tay, bàn tay, gây đau, mỏi, tê ngón tay, cánh tay và đau đầu. Bụi hữu cơ thậm chí nhiều khi là bụi tổng hợp là một đặc trưng đối với công nghệ may. Người lao động tiếp xúc với bụi ngay từ quá trình chế biến bông dẫn đến các bệnh về đường hô hấp...
Hầu hết các công đoạn của dây chuyền công nghệ may bụi đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Mặc dù bụi hữu cơ có thể ngăn được bằng khẩu trang tới trên 80%, song chỉ cần một lượng nhỏ hít phải ở những người dễ cảm nhiễm cũng có thể gây nên những rối loạn bệnh lý ở người tiếp xúc. Trong giai đoạn hiện nay, các loại sợi nguyên liệu dùng trong ngành dệt may đã có sự pha trộn của nhiều tác nhân hóa học khác, do vậy tính độc hại cũng có những thay đổi. Phơi nhiễm trong ngành dệt may có liên quan đến nguy cơ ung thư phổi bao gồm bụi bông và len.

Nhiều bệnh nghề nghiệm nguy hiểm
Mức độ căng thẳng ở nữ công nhân may công nghiệp, giày da có thể do từ việc không sẵn sàng, hoặc không hài lòng khi thời gian lao động kéo dài, hay phải tăng ca làm thêm giờ. Triệu chứng lo âu và trầm cảm ở công nhân may mặc có tỷ lệ gia tăng ở các mức đều cao hơn so với người lao động trong các ngành nghề khác.

Lao động làm việc trong ngành giày da
Lao động làm việc trong ngành giày da

Nghề may, giày da đòi hỏi ngồi lâu, ít thay đổi tư thế trong một thời gian dài, lặp đi lặp lại, việc chỉ sử dụng lặp đi lặp lại một số khớp đã dẫn đến sự phát triển của chứng viêm khớp. Công nhân tham gia vào các công việc may bằng tay có thể gặp tỷ lệ rối loạn cơ xương cao, do các cử động tay và cánh tay lặp đi lặp lại và do các tư thế làm việc kém phải duy trì trong thời gian dài. Những công việc này thường có tính lặp lại cao, liên quan đến sự phối hợp của tay và thị giác thường được thực hiện ở tư thế ngồi lâu trong quá trình làm việc. Khi thực hiện các thao tác này thường yêu cầu công nhân phải có tư thế nghiêng đầu và thân về phía trước để quan sát điểm may tốt hơn. Tình trạng như vậy có thể tạo ra một tải trọng vật lý quá mức lên hệ thống cơ xương và cuối cùng có thể dẫn đến phát triển rối loạn cơ xương giữa các nhóm làm may mặc.
Những hoạt động này được biết đến với đặc điểm tư thế làm việc không tự nhiên với những hành động lặp đi lặp lại, vì vậy người lao động thường dễ mắc các bệnh rối loạn cơ xương khớp do tính chất công việc. Trong số các cảm giác khó chịu, đau lưng chiếm ưu thế hơn ở công nhân. Chứng đau mỏi cơ xương khớp rất phổ biến trong những nhà máy ngành may mặc. Hầu hết các hoạt động như may, ép, cắt đều có đặc điểm là ngồi lâu, tư thế nghiêng về trước của chi trên và sử dụng tay nhiều lần để điều khiển và cảm nhận đồ vật và công cụ.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra 14 vấn đề lớn về sức khỏe và ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động bắt nguồn từ môi trường làm việc, tính chất công việc của họ. Các bệnh tật, chấn thương và đau mỏi chủ yếu ở công nhân may công nghiệp là viêm da dị ứng, thường xuyên đau đầu, mệt mỏi, mờ mắt, đau mỏi các cơ, đau cổ, tê và đau mỏi ngón tay - cánh tay, đau dạ dày; chấn thương do cắt.
Người lao động làm việc ở điều kiện lao động không đảm bảo tiêu chuẩn có liên quan đáng kể đến đau tay, khuỷu tay, cổ và vai. Các bệnh viêm nhiễm có hại gây đau và tàn tật các chức năng của khuỷu tay, cánh tay, cổ tay và bàn tay. Các nữ công nhân cho biết công việc của họ đã dẫn đến đau thắt lưng và khớp, đau đầu liên tục, nhức mắt và khó thở do hít phải bụi vải. Ánh sáng không đủ, liên tục ngồi một chỗ không tựa lưng và tiếng ồn liên tục từ hàng trăm máy móc khiến họ cảm thấy mệt mỏi. Các nghiên cứu cũng cho thấy lao động nữ trong ngành may mặc phải đối mặt với nguy cơ cao về các vấn đề sức khỏe nói chung.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây