Sau Tết Nguyên Đán là thời điểm người trồng hồ tiêu ở huyện Xuân Lộc bước vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, năm nay tình trạng khan hiếm nhân công hái tiêu đã làm nhiều nhà vườn lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Các nhà vườn phải đổi công cho nhau để thu hoạch hồ tiêu do không thuê được lao động
Hiện toàn tại Xuân Lộc các vườn tiêu có diện tích lớn tập trung nhiều ở các xã, như: Xuân Thọ, Lang Minh, Suối Cao… với trên 3.500ha.
Vườn tiêu nhà ông Đoàn Văn Tình ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ gần 1 ha trên 10 năm tuổi, khi ở đỉnh điểm giá hạt tiêu đạt trên ngưỡng gần 200 ngàn đồng/1kg, vườn tiêu nhà ông cho thu hoặc trên 3 tấn, cho thu nhập trên nửa tỷ đồng mỗi năm. Nhưng nay thì cả giá và sản lượng đều giảm sút. Ông Tình bộc bạch: “Vụ mùa đã đến, tiêu thì chín quá nhiều nhưng giá nhân công thu hoạch quá cao vì người dân đi làm công nhân hết. Hiện giờ chúng tôi thuê nhân công thì không có, thu hoạch về bán trừ chi phí xong gần như hết”.
Việc khan hiếm nhân công lao động tiêu nhiều nhà vườn phải dùng phương án vần đổi công để giúp nhau thu hoạch. Đây cũng chỉ là cách bất đắc dĩ, bởi vào mùa vườn tiêu nhà nào cũng chín rụng ai cũng muốn thu hoạch sớm để giảm tổn thất.
Giá hạt tiêu ở mức thấp trong một thời gian dài khiến diện tích hồ tiêu ở Xuân Lộc giảm sút mạnh những năm gần đây
Xã Xuân Thọ được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu của H.Xuân Lộc với diện tích gần 700 ha. Vài năm gần đây giá hạt tiêu thấp, nhiều nông dân chặt bỏ loại cây từng mệnh danh là cây “vàng đen” này để thay thế bằng các loại cây trồng khác như: bơ, mít, bưởi…, nhằm cứu vãn kinh tế gia đình sau một thời gian dài cố bám trụ với tiêu.
Hiện tại giá tiêu bán tại vườn nay đã tăng lên hơn 80 ngàn đồng/1kg, cao hơn 30 ngàn đồng/1kg so với vụ tiêu trước. Tuy nhiên, do công lao động tăng, bên cạnh đó giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng ở mức cao vì thế người trồng hồ tiều vẫn còn “rất cay”.
Ngọc Hoàng