Gần 20 năm từ ngày phục viên, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngọc (45 tuổi, ngụ ấp Long Đức 1, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã vươn lên từ 2 bàn tay trắng và quay lại giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình cựu chiến binh, người dân địa phương.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngọc hướng dẫn công nhân dùng các máy dệt.
Năm 19 tuổi ông Ngọc nhập ngũ tại quê nhà, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). 7 năm sau, vì lý do sức khỏe, ông Ngọc phục viên, cùng gia đình vào sinh sống, làm kinh tế ở xã Tam Phước.
Nghị lực vượt khó
Thời gian đầu, ông thuê nhà trọ và đi làm nhiều công việc để mưu sinh. Nhờ bạn bè giúp đỡ, ông mua được mảnh đất và làm nhà gần khu vực Trường sĩ quan lục quân 2 (nay là Trường đại học Nguyễn Huệ). Sau đó lần lượt rước mẹ cùng các em từ quê vào lập nghiệp ở Đồng Nai.
Nhờ chịu thương chịu khó, hay quan sát, học hỏi nên ông Ngọc nhận thấy nhu cầu về găng tay bảo hộ lao động ở vùng này khá cao, nhất là với các công ty trong khu vực lân cận. Do đó, năm 2003 ông mở xưởng dệt găng tay bảo hộ lao động ngay tại nhà, dần dần nâng lên thành Công ty TNHH một thành viên Ánh An Bình (chuyên sản xuất găng tay bảo hộ).
Quá trình sản xuất, kinh doanh, ông Ngọc gặp không ít khó khăn. Vào năm 2014 tưởng chừng như doanh nghiệp bị phá sản khi hàng tồn nhiều, không có đầu ra, ông phải hoạt động cầm chừng một thời gian để tìm hướng đi mới. Nhiều người lao động ở lại tiếp tục làm việc ở xưởng, cho ông nợ tiền công để cùng chia sẻ sự khó khăn với ông Ngọc.
Khi đó, ông phải đến từng doanh nghiệp để giới thiệu sản phẩm, ký hợp đồng bán sản phẩm. Ban đầu, một số công ty không “mặn mà” với sản phẩm nên sản phẩm được ký hợp đồng vẫn không đủ lớn. Bằng sự kiên trì, ông vừa duy trì sản xuất nhỏ vừa tìm đến nhiều đối tác có lượng người lao động lớn, ông chấp nhận đi xa, đến các tỉnh lân cận để giới thiệu sản phẩm của mình làm ra.
2 năm trở lại đây, hàng của công ty ông Ngọc chủ yếu là xuất khẩu, một số công ty trong nước đặt hàng nhưng công ty của ông Ngọc làm hết công suất cũng không đủ số lượng cung cấp. Mỗi tháng 13 máy dệt của ông cho được 80 ngàn đôi găng tay bảo hộ lao động, so với năm đầu tiên bắt đầu sản xuất thì nay sản lượng hằng tháng của công ty ông tăng gần 40%.
Sống nghĩa tình
Hiện nay, công ty của ông Ngọc tạo việc làm thường xuyên cho nhiều công nhân là người thân của cựu chiến binh, vợ con cán bộ quân đội. Thu nhập trung bình hằng tháng mỗi công nhân khoảng 5 triệu đồng, còn các gia đình nhận hàng gia công thì tùy theo sản lượng. Đây cũng là cách mà ông tri ân với những người bạn, đồng đội từng giúp đỡ ông những ngày đầu lập nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Phượng (42 tuổi, xã An Phước, huyện Long Thành) có hơn 10 năm gắn bó với công việc tại công ty của ông Ngọc chia sẻ, bà có chồng công tác tại một đơn vị quân đội, công việc dệt găng tay hiện nay cho bà thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống, giúp cho chồng bà yên tâm công tác hơn.
Ông Ngọc tâm sự: “Trong giai đoạn đầu làm ăn khó khăn, nhờ nguồn vốn vay của Hội Nông dân xã, Hội Cựu chiến binh xã và bạn bè, đồng đội, sự chia sẻ của công nhân nên công ty của tôi mới phát triển như ngày nay. Thời gian tới, tôi luôn nỗ lực duy trì nguồn hàng đều đặn để tạo công ăn việc làm ổn định, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người lao động”.
Hiện nay, ông Ngọc đầu tư thêm nông nghiệp, trồng hơn 10 hécta tràm để đa dạng ngành nghề, tìm kiếm cơ hội làm ăn mới. Bên cạnh việc kinh doanh, ông Ngọc còn tham gia nhiều hoạt động tại địa phương như làm Chi hội phó Chi hội 7 cựu chiến binh xã, Chi hội trưởng nông dân ấp Long Đức 1.
Ông Phạm Thế Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Phước cho biết ông Nguyễn Văn Ngọc là hội viên cựu chiến binh tích cực trong công tác Hội. Ông Ngọc là điển hình trong các cựu chiến binh vượt khó, vươn lên làm giàu của địa phương.
Minh Thành