(CTT-Đồng Nai) Học kỳ 1 năm học 2023-2024, tỉnh có 4,1 ngàn học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn với số tiền 93 tỷ đồng.
Hiện hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) trong tỉnh đang khẩn trương tư vấn, tiếp nhận số hồ sơ vay vốn của chương trình này.

Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục vay tín dụng chính sách
Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục vay tín dụng chính sách
Sẵn sàng hỗ trợ người đi học
Theo quy định, người được vay tín dụng chính sách của chương trình này là thành viên của hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật. Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật. Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định thì việc trả nợ gốc và lãi tiền vay bắt đầu được tính. Người được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.
Hiện hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh chủ động phối hợp với UBND các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã thực hiện rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên. Ngoài ra, việc đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng quy định và đảm bảo thuận lợi nhất cho người vay cũng được Ngân hàng CSXH tỉnh quán triệt đến toàn hệ thống. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về quá trình thực hiện hồ sơ cho vay đối với người làm công tác tín dụng chính sách ở cơ sở…
Theo ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh, trong thời điểm học phí các trường tiếp tục thay đổi theo hình thức tăng, chi phí sinh hoạt ngày càng cao gây áp lực rất lớn cho người học và gia đình, nhất là những hộ hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo thì chương trình cho vay học sinh sinh viên tiếp tục trở thành chính sách nhân văn, kịp thời gỡ khó cho người đi học cũng như gia đình họ.
Nuôi hi vọng cho người học
Chính nhờ những khoản vay từ vốn chính sách dành cho học sinh sinh viên đã giúp người học nuôi hi vọng về tương lai.
Như gia đình bà Hứa Thị Thái (dân tộc Hoa, xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) có 4 con được vay chương trình học sinh sinh viên. Trong số này, một con của bà Thái đã ra trường và có việc làm.
Theo bà Thái, để các con được đi học, vợ chồng bà nỗ lực lao động, chi tiêu chi ly trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng rồi khi cả 4 đứa con đều bước vào con đường sinh viên thì gia đình bà không thể tự chủ lo cho các con. Bời gia đình bà làm nông, diện tích đất canh tác không nhiều. Nên thu nhập của gia đình còn lại sau khi trừ đi các khoản chi phí không còn nhiều. Do vậy mà gia đình không có đủ “vốn” để dành cho các con đi học. Vậy nên chương trình cho vay học sinh sinh viên của Ngân hàng CSXH giúp rất nhiều cho việc học của các con của bà.
Còn với bà Nguyễn Thị Kim Liên (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) năm nay 2 con của bà bước vào năm cuối và năm thứ 3 quảng đời sinh viên. Việc người mẹ đơn thân nuôi 2 con ăn học với cửa hàng làm móng tại nhà là điều không hề đơn giản, nhất là trong thời điểm học phí, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Vậy nên, trước thềm năm học mới, bà tiếp tục nhờ đến sự trợ giúp từ nguồn vốn vay chính sách để lo cho con đến trường.
Riêng với ông Phan Hữu Trí (xã Xuân Đường, H.Cẩm Mỹ) có 4 con đang theo chương trình đào tạo hệ cao học, đại học. Vợ chồng ông Trí làm rẫy. Để lo đủ cho 4 con cùng đi học tại TP.HCM là đều không hề dễ dàng chút nào với gia đình này. Lo nhất là khi phải đóng tiền học đầu kỳ cho 4 đứa con.
Từ 2021-2022 trở về trước, mức vay mà các con ông Trí được hưởng là 25 triệu đồng/năm học. Song hiện mức vay dành cho chương trình này đối với người học mỗi năm đã ở mức 40 triệu đồng. “Tôi rất mừng khi các con được tiếp cận chương trình cho vay này. Dẫu biết rằng mình vay thì phải trả. Nhưng trong thời điểm cả nhà cùng nuôi ước mơ đến trường với hi vọng sau này các con có cơ hội tìm được việc làm ổn định thì đều này là chỗ dựa lớn cho cả nhà”- ông Trí, nói.